Bộ TNMT: Đảm bảo môi trường tốt nhất cho dự án bauxite

ThienNhien.Net – Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa khảo sát thực địa Dự án tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng gồm địa điểm xây nhà máy alumina Tân Rai, nhà máy nhiệt điện chạy than, nhà máy khí hóa than, khu tái định cư, khu vực xây dựng hồ bùn đỏ… để rà soát lại các yếu tố, đảm bảo phương án môi trường tốt nhất, một trong những điểm quan trọng quyết định thành công của dự án.

Trong chuyến khảo sát, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn công tác do Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên dẫn đầu đã làm việc với chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cùng các địa phương liên quan.

Các biện pháp đảm bảo môi trường cho Dự án cũng như những vấn đề về đất đai, khoáng sản… được rà soát kỹ, để tránh mọi “lỗ hổng” môi trường dù là nhỏ nhất có thể xảy ra, khi mà vấn đề môi trường của các dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên đang được dư luận, các nhà khoa học, chuyên gia… đặc biệt quan tâm.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, trong tháng 5 này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có văn bản đề nghị TKV bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án bauxite Tân Rai, hoàn thành vào quý III.

Đồng thời, TKV phải đảm bảo mô hình môi trường thật tốt cho dự án này. TKV nên tổ chức thêm một số hội thảo khoa học về việc hoàn thổ, xử lý bùn đỏ (chất thải trong quá trình xử lý bauxite) để học tập kinh nghiệm của nước ngoài và sự sáng tạo của Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thành lập tổ giám sát đối với các hạng mục công trình ngay trong quá trình xây dựng và thường xuyên thực hiện việc quan trắc. Tổng cục Môi trường có nhiệm vụ xây dựng chức năng nhiệm vụ của tổ giám sát này.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên lưu ý, nên xem xét lại cơ chế giao đất của dự án, với nguyên tắc đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu cũng như gắn lợi ích của người dân với lợi ích của nhà máy.

Yêu cầu mà Bộ trưởng đặt ra là hướng dẫn người dân cách phục hồi đất và sử dụng hợp lý đất đã được phục hồi cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông để mọi người dân hiểu rõ, tạo sự đồng thuận về dự án.

Theo Phó Tổng Giám đốc TKV phụ trách Dự án Dương Văn Hòa, khai thác bauxite tại Tân Rai theo công nghệ lộ thiên với hình thức cuốn chiếu, kết hợp đổ thải trong và hoàn thổ; sẽ tiến hành khai thác dứt điểm từng thân quặng, hạn chế tối đa việc mở nhiều khai trường trong một thời điểm khai thác, giải phóng nhanh nhất diện tích sẽ sử dụng làm bãi thải quặng đuôi của xưởng tuyển, kết hợp với công tác làm đường phục vụ khai thác lâu dài.

Chủ tịch Hội đồng quản trị TKV Đoàn Văn Kiển cho biết thêm, TKV chỉ đạo Ban quản lý Dự án thiết kế xây dựng hồ bùn đỏ theo hướng chia nhiều ngăn, tháo khô hồ bùn đỏ, có thể sử dụng làm đường; trồng cây xanh bảo vệ môi trường.

TKV đã tuyển con em bà con ở vùng có dự án vào làm việc, cử đi học để có thể tham gia vận hành khi nhà máy đi vào hoạt động vào cuối năm 2010.

Về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, Ban quản lý Dự án đã bàn giao khu tái định cư cho các cơ quan chức năng của huyện Bảo Lâm sau khi đã đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn 1. TKV tặng cho 41 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo 41 căn hộ có diện tích 40 m2 khép kín trị giá khoảng 67 triệu đồng/căn…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hoàng Sỹ Sơn khẳng định, tỉnh hoàn toàn ủng hộ dự án và đã thành lập Ban chỉ đạo thường xuyên; tỉnh và TKV phối hợp tốt giải quyết các vấn đề của dự án…

Theo Công văn 650/TTg-KTN ngày 29/4/2009 về phát triển ngành công nghiệp khai thác bauxite, sản xuất alumina, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường:
– Tiếp tục chỉ đạo công tác điều tra cơ bản, thăm dò, xác định trữ lượng tài nguyên bauxite của cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng;
– Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan thẩm định kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch thu hồi đất và giao đất của hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ, phù hợp với tiến độ thi công cuốn chiếu và hoàn thổ của dự án này, hạn chế ảnh hưởng đối với hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương, bảo vệ môi trường;
– Phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các giải pháp môi trường đối với hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ;
– Đề xuất việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường đối với các dự án bauxite;
– Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý khai thác, chế biến khoáng sản bauxite.