Dịch tai xanh “đột nhập” trung tâm giống

ThienNhien.Net – Phó Cục trưởng Cục Thú y, ông Hoàng Văn Năm, ngày 14/04 cho biết, dịch tai xanh đã xuất hiện và làm chết lợn của Trung tâm giống tỉnh Gia Lai. Thực tế cho thấy, đàn lợn của Trung tâm này đã được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh tai xanh từ ngày 20/03 nhưng vẫn xuất hiện lợn bị chết có biểu hiện của bệnh tai xanh.

Sau khi phân tích, kết quả ban đầu cũng cho thấy lợn bị chết biểu hiện dương tính với virus gây ra bệnh này. Hiện, Cục Thú y đang khẩn trương điều tra để có kết luận chính xác nhất về ổ dịch tại đây.

Giải thích về vấn đề lợn đã tiêm phòng nhưng lại nhiễm bệnh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Sỹ Lăng, Phó Chủ tịch Hội Thú y Hà Nội cho biết, có hai chủng virut gây bệnh tai xanh, một có nguồn gốc ở châu Âu và một có nguồn gốc ở châu Mỹ. Hai chủng này đều xác định đã “có mặt” tại Việt Nam.

“Hiện, chưa có loại vắc xin nào phòng ngừa cả 2 chủng một lúc. Do đó, tôi nghĩ rằng Trung tâm giống này đã… tiêm vắc xin chủng nọ, nhưng lại bị chủng virus kia gây hại,” ông Lăng nói.

Ông Lăng cũng khuyến cáo, trước khi tiêm phòng vắc xin tai xanh cho đàn lợn, người dân cần đến các cơ quan thú y để tham vấn xem đàn lợn trong khu vực sinh sống đã từng mắc bệnh lợn tai xanh chưa và do chủng virus nào gây hại để mua vắc xin loại đó về tiêm cho đàn lợn của mình.

“Ế” vắc xin lở mồm long móng

Theo thông tin từ cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống cúm gia cầm ngày 14/04, trong vòng 1 tháng qua, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm về cơ bản đã được khống chế. Hiện nay, chỉ còn tỉnh Điện Biên có dịch cúm gia cầm.

Về tình trạng vắc xin tiêm phòng, theo ông Hoàng Văn Năm, hiện nay còn tồn kho 200.000 liều vắc xin lở mồm long móng. Lý giải nguyên nhân tồn kho, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết là do các tỉnh đăng ký, song chưa đến nhận thuốc về. Trong khi đó, hạn sử dụng của toàn bộ số vắc xin trên là đến cuối tháng 06/2009. Do vậy, nếu các đơn vị không nhận thuốc và triển khai tiêm phòng sớm thì 200.000 liều vắc xin sẽ có nguy cơ bị hỏng, gây lãng phí tiền của.

Đối với vắc xin H5N1, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản đề nghị ngân sách Nhà nước cấp bổ sung 52,65 tỷ đồng để mua 270 triệu liều vắc xin. Số vắc xin H5N1 này sẽ được tiêm phòng cho vịt chạy đồng và đàn gia cầm quy mô từ 500-2.000 con./.