Nước: Tài nguyên hiếm của thế kỷ 21?

ThienNhien.Net – Xu hướng sinh thái trong những năm gần đây cho rằng “nước sẽ là dầu của thế kỉ 21”. Nước là nguồn tài nguyên quý giá và có hạn, được cung cấp không đồng đều trên khắp thế giới. Thiếu nước đang ngày càng trầm trọng có thể mang lại thế mạnh kinh tế cho các quốc gia giàu tài nguyên nước và sự nghèo đói cho các quốc gia khác. Thậm chí, nó có thể dẫn tới các cuộc chiến tài nguyên giữa các quốc gia có và không có nước. Với tình hình này, các công ty phụ thuộc nguồn nước trên thế giới sẽ xoay xở ra sao khi chất lượng và khối lượng nước đang trở thành rào cản lớn cho công việc kinh doanh?

Câu hỏi trên chỉ mang tính lý thuyết, trên thực tế một số công ty đang xây dựng cơ sở cho kịch bản thiếu nguồn nước và lập kế hoạch đối phó với những tình huống bất ngờ, một số công ty đang lên kế hoạch chiến lược quản lý nguồn nước.

Nhưng do hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, các công ty từ California (Mỹ) đến Calcutta (Ấn Độ) đang phải ra sức tìm cách sử dụng hiệu quả, đo đạc và quản lí sử dụng nước cũng như tìm cách trở nên ít phụ thuộc vào nước hơn. Nước đang được coi là nguồn cácbon mới hơn là nguồn dầu mới.

Các công ty sản xuất đồ uống đang phải đối mặt với những thách thức về nguồn nước. Hãng bia Anheuser-Busch đã công bố rằng lượng nước sử dụng trung bình của công ty này tăng 2,4% sau 5 năm trong khi các sản phẩm đồ uống chỉ tăng 2%. Nhưng nhờ các nỗ lực trong việc sử dụng hiệu quả nguồn nước, hãng bia này đã hạn chế được lượng nước cần dùng để sản xuất bia, cân bằng lượng nước sử dụng trung bình.

Hãng Coca-Cola cũng đã đặt mục tiêu giảm lượng nước sử dụng. Trong năm 2007, công ty này đã phát triển một chiến lược về nước, tập trung vào hoạt động của nhà máy, bao gồm việc sử dụng nước hiệu quả, đảm bảo chất lượng nước và xử lý nước thải, bảo vệ lưu vực sông, tiếp cận với nguồn nước sạch, đồng thời nâng cao nhận thức toàn cầu và đưa ra những hành động đối phó với các thách thức về nguồn nước. Mục tiêu chung của hệ thống Coke là trả lại toàn bộ nguồn nước đã sử dụng trong sản xuất cho thiên nhiên với phương châm: giảm, tái chế và phục hồi.

Nhưng hiệu quả sử dụng nước trong các lĩnh vực khác vẫn không cao. Tập đoàn General Electric (GE) đã công bố kế hoạch cắt giảm 20% lượng nước sạch đang sử dụng của công ty bằng cách tái sử dụng nước trong hoạt động kinh doanh và sản xuất. Ý tưởng và kinh nghiệm của công ty được cả ngành công nghiệp, các khu đô thị và cả chính phủ hoan nghênh. GE đã ban hành một “cuốn sách trắng” về tái chế nước nhằm giúp cộng đồng và chính phủ thúc đẩy việc tái chế và tái sử dụng nước. IBM cũng tuyên bố Trung tâm nghiên cứu quản lí nước ở Hà Lan là một phần trong chiến dịch Vì môi trường xanh của công ty. Công ty cũng phát hành một bản báo cáo liệt kê những khái niệm cho các tổ chức giáo dục và luật sư, tập trung nhấn mạnh giá trị của việc áp dụng công nghệ cảm ứng, công nghệ thông tin và các mô hình quản lí nước ở Hoa Kỳ.

Một trong những hành động bảo vệ nguồn nước là việc phổ biến kiến thức về đánh giá tầm ảnh hưởng toàn diện của nước ở các sản phẩm. Khái niệm “nước tiêu thụ” (“embedded water”) đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các công ty. Khái niệm này nhắc tới lượng nước sử dụng trong sản xuất và phân phối thực phẩm, cũng như các sản phẩm tiêu dùng khác – gần giống với khái niệm các-bon tiêu thụ (embedded carbon). Ví dụ, một ly cà phê chứa 140 lít nước tiêu thụ nếu tính cả lượng nước sử dụng trong quá trình trồng, sản xuất, đóng gói và vận chuyển hạt cà phê. Một chiếc hamburger chứa tới 2.400 lít nước tiêu thụ. Những tính toán này mở ra cơ hội mới để hiểu biết, quản lí và sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả hơn.