"Con gà trống khoa học" – Lời giải cho bếp than tổ ong

ThienNhien.Net – Thời gian vừa qua, các thông tin tích cực cũng như tiêu cực trong nhiều năm của bếp than tổ ong và những thông tin mới đây gây xôn xao dư luận trên các trang báo về Bếp Bông amiang tôi đều quan tâm. Và tôi có đôi điều muốn chia sẻ cùng bạn đọc.


Hiểm họa từ bếp than tổ ong – Nói mãi không xong
Sở dĩ tôi quan tâm đến vấn đề này như vậy vì tôi đang là chủ một cơ sở sản xuất bếp than rộng khoảng 1000m2 tại thị xã Từ Sơn – Bắc Ninh. Trong thời gian qua, cơ sở sản xuất của tôi trực tiếp bị sụt giảm doanh số do ảnh hưởng của các thông tin về tác hại của bếp bông, mặc du tôi không dùng amiang độc hại. Nhưng là người trong nghề, tôi biết rất rõ và công nhận trên thị truờng có rất nhiều loại bếp của nhiều cơ sở sản xuất dùng bông amiang thủy tinh phế thải giá rẻ làm bảo ôn giữ nhiệt.

Tiếp xúc với nhiều luồng thông tin, tôi nhận thấy vấn đề nằm ở chỗ mọi người thiếu thông tin về tác hại khác hại khác nhau giữa amiang amphibole bị cấm triệt để vì gây ung thư và amiang cryzotyl đang được dùng để sản suất tấm lợp ở Việt Nam. Chính vì lý do này nhiều người đã mua phải các chủng loại bếp bông amiang thủy tinh chịu nhiệt trôi nổi không rõ thành phần cấu tạo và thường nhập từ Trung Quốc với giá rất rẻ trong thời gian dài khoảng 6 năm nay, để xảy ra sự việc đáng tiếc về Bếp Bông như các bài báo đã đăng.

Đúng là bếp bông có vấn đề ở khâu kỹ thuật, thường bong lớp vữa trát để hở lộ rõ phần bông thủy tinh nên phát tán bụi que ra môi truờng gây suy hô hấp ở người. Nếu không khắc phục được điểm yếu này, sớm muộn bếp bông cũng sẽ bị thải loại hoặc bị cấm sử dụng. Nhận thức được điều này, tôi đã nghiên cứu một phương thức khác làm kế sinh nhai bởi tôi muốn duy trì nghề của mình trong cơ chế thị trường mới.

Mười tám năm trước, tôi đã cải tiến bếp than tổ ong (bếp đất) từ dạng dùng 1 viên sang 2 viên than khá hiệu quả, vì ít phải nhóm gây khói và giảm tổn thất nhiệt. Hiệu bếp Phạm Bắc của gia đình tôi cũng đã trở nên phổ biến, mở đầu cho phong trào đun than tổ ong. Chúng tôi cũng đã thiết kế máy đóng than để thúc đẩy sự phát triển của than tổ ong và hạ giá thành. Năm 1993 tôi cho ra mắt bếp khò (mô tơ DC12V) rất tiết kiệm và được đông đảo người dân sử dụng. Đến năm 2002, tôi đã đưa bếp bông vào sản xuất tại Việt Nam, khơi mào cho hàng loạt cơ sở khác cùng tham gia thị trường bếp bông tạo nên một hiệu ứng chưa từng có: Hàng loạt nông dân đồng bằng Bắc Bộ đốt bỏ rơm rạ ngoài đồng để chuyển sang dùng bếp than mới.

Bếp than tổ ong hiện đang là vật dụng thiết thực của nhiều gia đình trong hoàn cảnh hiện nay. Nó tồn tại song song với bếp gas, hỗ trợ lẫn nhau (khi cần đun nhiều, đun lâu). Bằng chứng là các hộ dân có bếp gas nhưng vẫn mua bếp than. Khoảng 70% hộ dân nội thành Hà Nội có bếp than trong đó 50% dùng thường xuyên, số lượng bếp và than tổ ong tăng trưởng mạnh khắp các tỉnh thành kể cả khi giá gas rẻ là những điều thực tế. Vì vậy đã có 5 năm liên tục sốt Bếp Bông, từ 2003 đến 2008, đặc biệt khi giá điện – gas tăng cao.

Tôi rất biết bếp và than tổ ong cũng có những mặt trái của vấn đề mà chúng ta cần phải tìm cách khắc phục. Là người sản xuất lâu năm nên tôi hiểu rõ và luôn áy náy trong lòng, tự hạ quyết tâm phải tìm mọi cách cải tiến để sản phẩm bếp than ít gây hại hơn. Cùng chung ý nghĩ như anh Hoàng Thương (than sạch), tôi luôn nung nấu trong lòng để tìm ra Bếp sạch.

Là người ham tìm tòi khám phá nên từ lâu tôi đã treo giải để khuyến khích tìm mua các ý tưởng – giải pháp – công nghệ, trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là bếp than, nghề chính của gia đình tôi. Tôi đã mất khá nhiều tiền cho các cuộc thí nghiệm với những ý tưởng không thành trong nhiều năm qua. Tôi đã gặp gỡ nhiều nhà khoa học – tri thức trẻ – doanh nghiệp trong và ngoài nước để rồi mới đây đã quyết định bỏ ra một số tiền lớn mua toàn bộ công nghệ – máy móc – khuôn mẫu để sản xuất bếp than sạch thương hiệu: Con gà trống khoa học. Tôi làm điều đó nhằm mục đích sản xuất theo quy mô công nghiệp hàng loạt, có tiêu chuẩn riêng, đổi mới cách làm thủ công lem nhem, kém năng suất trước đây, để đưa bếp than tổ ong vào quỹ đạo “an toàn” trong sự giám sát của nhà nuớc.

Bếp mới có đặc điểm:
 
Không sử dụng bông amiang – thủy tinh hoặc bất kỳ loại bông khoáng nào để bảo ôn giữ nhiệt mà thay thế bằng xốp xi măng chịu lửa 13000C, với những lỗ xốp nhỏ li ti siêu nhẹ làm vật liệu giữ nhiệt được sản xuất theo phương thức đặc biệt và được định hình sẵn, có tỷ trọng nhẹ như bông thủy tinh trong bếp bông (khoảng 0,4kg/dm3). Đây là một cải tiến rất quan trọng nhằm loại bỏ những nghi ngại về bụi que của bông thủy tinh bay ra môi trường và các cơ sở sản xuất tư nhân vì lợi nhuận sẽ trà trộn bông khoáng amiang thủy tinh phế thải giá rẻ 2000đ/kg mà chính quyền chúng ta không thể có cách nào kiểm soát tận gốc được.
 
Ruột lò siêu bền làm bằng samốt chịu lửa 16000C, dày 8mm rời tách biệt. Đặc biệt ở chỗ xung quanh ruột lò được mở 45 lỗ cùng rãnh cấp oxi lần 2 rất khoa học nhằm mục đích cấp đủ lượng oxi bằng đường cấp khác (không qua đáy viên than) suốt dọc chiều dài viên than để bổ xung oxi tăng cuờng đến bề mặt viên than (khoảng không dưới dáy nồi được tạo thành buồng om đốt khí) để sự cháy diễn ra mạnh hơn, hoàn toàn hơn nhằm đốt triệt để khí CO phân giải thành CO2 tạo ra nhiệt độ rất cao đốt cháy phần lớn hợp khí độc gây mùi để phân hóa thành khí khác ít độc hại hơn. Tương tự như các lỗ đục cấp oxi ở bếp đun dầu hỏa. Khi cấp đủ lượng oxi thích hợp trong quá trình cháy thì sẽ cho ngọn lửa xanh – nhiệt cao và không còn mùi dầu do chưa bị cháy hết. Hoặc bếp củi khi bếp thoáng đã cháy to nhiệt cao thì dù có cho thêm củi ướt + mục vào cũng không gây khói mùi.
 
Nếu đun một viên than thường ở bếp đất thì nhiệt thấp và có mùi than nồng nặc khó chịu. Nhưng vẫn viên than ấy khi gắp bỏ sang bếp mới thì mùi than biến mất và nhiệt độ cháy rất cao có thể lên đến 13000C, hiệu suất nhiệt hữu ích đạt trên 55% (so với bếp đất dưới 30%). Đây là một thành tích tiết kiệm than hiếm có bếp nào đạt được. Bếp còn có thể cháy ngược: mồi cho viên than bén cháy rồi lật ngược để than cháy từ trên xuống thi tính khử mùi còn cao hơn nữa.
 
Loại bếp mới này có đầy đủ tính năng để hấp dẫn người tiêu dùng như Bếp Bông: tiết kiệm than – siêu nhẹ – siêu tốc – rất dễ sử dụng, điều chỉnh nhiệt độ nhanh chóng, ủ qua đêm dễ dàng. Vỏ làm bằng thép không gỉ sáng bóng khá đẹp, và đặc biệt là bền hơn bếp bông nhiều lần (bếp bông thường tuổi thọ dưới 12 tháng, còn bếp mới đạt trên 3 năm).
 
Giá thành rẻ hơn bếp bông và tuyệt đối không sử dụng bất kỳ hóa chất nào gây độc hại tới sức khỏe được chứng minh rất dễ dàng thuyết phục cả trên lý thuyết và thực tiễn.

Nếu loại bếp này được kết hợp sử dụng với than sạch thì tôi chắc rằng bài toán chất đốt cho người thu nhập thấp ở Việt Nam sẽ giải được. Nhưng phải rất cần các nhà khoa học – môi trường – y tế – các phương tiện thông tin đại chúng và các tổ chức chính quyền nhiệt tình ủng hộ thì mới thành công. Đây là một loại bếp mới rất khoa học chưa từng có tại Việt Nam, chắc chắn sẽ thay thế các loại bếp cũ gây ô nhiễm, thúc đẩy xã hội đi lên phía trước để có một môi trường trong lành, an toàn và tốt đẹp hơn.

Nếu được phép tôi sẽ giải trình đầy đủ và đun thực nghiệm loại bếp mới xin xét nghiệm chuyên môn số liệu của các nhà khoa học – môi trường học kiểm tra chính xác khi đăng ký chất lượng và bản quyền sáng chế. Nếu than sạch chưa phát triển theo kịp thì bếp sạch vẫn có thể đi trước vì theo cảm quan và kinh nghiệm chủ quan của tôi thì bếp mới này cơ bản đã giải quyết được đến hơn 90% khí độc hại.

Mọi thắc mắc xin liên theo địa chỉ sau:

Phạm Tuấn
Địa chỉ: Số 11/195 Minh Khai – Hai Bà Trưng – Hà Nội
Điện thoại: 0913.525.357
Email: tuanph55@gmail.com