Vườn quốc gia Xuân Sơn – tiềm năng lớn để phát triển du lịch

ThienNhien.Net _ Với những giá trị về môi trường, sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, giá trị nhân văn…, Vườn quốc gia (VQG) Xuân Sơn hoàn toàn có tiềm năng phát triển du lịch bền vững.

VQG Xuân Sơn nằm trên địa bàn huyện Thanh Sơn (cũ), nay thuộc huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, có tổng diện tích 15.048ha, trong đó khu bảo vệ nghiêm ngặt (còn gọi là vùng lõi) có diện tích 9.099ha.

VQG Xuân Sơn cách Hà Nội 120km, cách TP Việt Trì 80km, phía tây nam tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình, phía tây bắc giáp tỉnh Sơn La. VQG Xuân Sơn có thế mạnh về giá trị cảnh quan, giá trị sinh thái, môi trường, tài nguyên, động thực vật đa dạng, phong phú và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng.

Đề tài: “Nghiên cứu, đánh giá tính đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Xuân Sơn” do Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học thực hiện trong 2 năm 2006-2007 đã xác định VQG Xuân Sơn có 7 hệ sinh thái chính: rừng trên núi đá vôi; rừng trên núi đất; trảng cỏ cây bụi, tre nứa; nông nghiệp; khu dân cư; rừng trồng và hệ sinh thái các thủy vực. Trong số đó, hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi có nhiều nét độc đáo.

Sự đa dạng của các hệ sinh thái làm nền tảng cho sự hình thành các kiểu thảm thực vật khác nhau, trong đó, thực vật đã thống kê được 1.179 loài, 650 chi, 175 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Hệ thực vật chiếm 11% tổng số loài, 28% tổng số chi và 57% tổng số họ của hệ thực vật Việt Nam.

Theo kết quả của đề tài nghiên cứu trên, hệ thực vật Xuân Sơn hiện có 96 loài đặc hữu, chiếm tỉ lệ gần 10% tổng số loài của hệ thực vật, tương đương với tỷ lệ này ở hệ thực vật Việt Nam theo công bố gần đây nhất của GS.TSKH Nguyễn Nghĩa Thìn.

Hệ thực vật vườn quốc gia Xuân Sơn có 46 loài được ghi trong Sách đỏ, Danh lục đỏ Việt Nam và Nghị định 32/CP của Chính phủ, trong đó, 14 loài thuộc nhóm EN (nguy cấp), 30 loài thuộc nhóm VU (sẽ nguy cấp), 1 loài thuộc nhóm LR (ít nguy cấp) và 1 loài thuộc nhóm IIA (hạn chế khai thác và sử dụng).

Hệ thực vật Xuân Sơn còn là nguồn tài nguyên có ý nghĩa kinh tế, trong đó có 541 loài (chiếm 44,5% tổng số loài của hệ thực vật) là cây thuốc; 249 loài cho gỗ; 145 loài làm thức ăn; 95 loài làm cây cảnh v.v.

Không chỉ có hệ thực vật đa dạng, nơi đây còn có hệ động vật phong phú với nhiều loài được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ Việt Nam (2007) và Nghị định 32/CP, trong đó có 29 loài thú, 188 loài chim, 22 loài bò sát ếch nhái và 5 loại cá. Trong số các loài thú có cu ly nhỏ, voọc đen má trắng, vượn đen má trắng, sóc bay lông tai. Về chim hiện có một quần thể công khoảng 30-40 cá thể.

VQG Xuân Sơn là một trong những vùng có giá trị đa dạng sinh học cao, có ý nghĩa lớn về mặt khoa học và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.

Nơi đây có đồi núi với độ cao 300m – 1.400m kết hợp hệ thống hang động, sông suối và rừng tự nhiên đã tạo nên cảnh quan đẹp hùng vĩ và hấp dẫn đối với du khách. Những hang đá vôi kỳ thú, thạch nhũ trong hang tạo thành muôn hình vạn trạng, những lối vào nhỏ hẹp tạo cho du khách cảm giác thú vị, muốn tìm tòi khám phá; những lối mòn xuyên qua khu rừng nguyên sinh xanh mướt, nơi chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng qua lại…

VQG Xuân Sơn hoàn toàn có thể là điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài nước nếu biết tận dụng thế mạnh sinh thái của mình và có quy hoạch cụ thể hợp lý theo hướng phát triển bền vững. Một số loại hình du lịch có thể tập trung khai thác được ở đây như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá rừng, núi, hang động, các loài động thực vật, du lịch nghỉ dưỡng..; du lịch cộng đồng tìm hiểu nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt của cư dân bản địa.

Khu vực VQG Xuân Sơn hiện có đồng bào của 2 dân tộc chính là Dao và Mường. Họ sống trong những thôn bản nằm rải rác trong cả vùng đệm và vùng lõi của VQG. Đời sống của bà con nhân dân ở đây còn ở diện đặc biệt khó khăn. Phát triển du lịch bền vững sẽ là phương thức xóa đói giảm nghèo hiệu quả, bảo tồn được hệ sinh thái.

Với những đặc điểm thiên nhiên, văn hoá như vậy, nếu được quan tâm, quản lý đúng mức, VQG Xuân Sơn sẽ trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều du khách, qua đó góp phần cải thiện đời sống bà con trong khu vực, đồng thời bảo tồn được hệ sinh thái độc đáo.