Quảng Ngãi: Mô hình nuôi nuôi baba thương phẩm trong bể xi măng

ThienNhien.Net – Ông Bùi Hữu Chỉnh – Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Trung tâm đang khuyến khích nhân rộng phong trào nuôi ba ba trong bể xi măng tại các địa phương trong tỉnh, góp phần đa dạng hoá đối tượng nuôi, dần dần đưa một số đối tượng có giá trị kinh tế vào nuôi trồng ở huyện đảo Lý Sơn… để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông ngư dân. Năm 2008, Trung tâm đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Lý Sơn triển khai mô hình nuôi ba ba trong bể xi măng tại hộ ông Trương Đình Vũ, thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn. Mô hình triển khai thực hiện trên diện tích 100 m2.

Được sự đầu tư hỗ trợ tiền giống, tiền thức ăn và thuốc phòng trừ bệnh theo qui định của Trung tâm Khuyến ngư tỉnh, mô hình bắt đầu thả nuôi 400 con ba ba vào tháng 05/2008 trong bể xi măng. Chiều sâu bể là 1,2 – 1,5 m. Đáy ao rải cát dày 10 – 20 cm có hệ thống cấp thoát nước chủ động thoáng mát yên tĩnh. Nguồn nước cấp không bị ô nhiễm, pH = 7,0-8,0, nguồn nước chủ động. Sau khi cải tạo đáy ao, bổ sung phân bón (phân chuồng ủ hoai 15kg/100m2) để tạo màu tự nhiên và thả bèo lục bình tạo chỗ ẩn nấp (1/3 diện tích ao nuôi), giữ cho nguồn nước sạch sẽ và hạn chế sự gia tăng nhiệt độ. Chọn con giống ba ba khoẻ mạnh, da bóng màu sắc đẹp, hoạt động linh hoạt, không xây xát lở loét. Ba ba giống được vận chuyển về cho tắm nước muối 200/00 (200g/10 lít nước) khoảng 10 phút. Sau đó thả ba ba vào hồ. Cỡ ba ba giống: 50 – 60g/con, mật độ 4con/m2.

Thức ăn cho ba ba là cá tươi bằm nhỏ, trùn. Lượng thức ăn giai đoạn đầu bằng 7-10% so với trọng lượng thân, sau giảm dần 3-4%, ngoài ra lượng thức ăn hàng ngày của baba còn phụ thuộc vào một số điều kiện khác như: Sức khoẻ, nhiệt độ, thời tiết. Cần theo dõi chặt chẽ tránh thừa thải thức ăn dẫn đến ô nhiễm nước. Mỗi ngày cho ăn từ 2 lần vào sáng sớm và chiều mát, cho thức ăn vào sàn treo ngập mặt nước 50 – 60cm, khi ba ba lớn có thể cắt thức ăn vừa cỡ miệng cho ba ba ăn. Kiểm tra để điều chỉnh thức ăn hợp lý.

Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường trong ao để điều chỉnh kịp thời: pH từ 7 – 8,5; Giữ cho nước trong ao ổn định về màu, sạch không ô nhiễm, mỗi lần thay nước từ 20 – 30 % lượng nước trong ao khi nước quá bẩn có thể thay 50% nước. Khi cấp nước cần đảm bảo sự yên tĩnh; Định kỳ bắt ba ba kiểm tra độ tăng trưởng và bệnh tật để điều chỉnh thức ăn và có biện pháp phòng trị bệnh. Sau khi cho ba ba ăn từ 3 – 4 giờ sau phải kiểm tra vớt bỏ thức ăn dư thừa vệ sinh máng, không cho ba ba ăn thức ăn hôi thiu. Rào lưới ngăn cản các loại địch hại từ bên ngoài vào ăn ba ba (rắn, chuột,…). Thường xuyên kiểm tra ống cống để sửa chữa kịp thời, ao nuôi phải yên tĩnh, hạn chế tối đa tiếng ồn làm ba ba sợ.

Phòng bệnh cho ba ba, trước khi thả giống vào ao phải tẩy dọn ao sạch sẽ, bón vôi liều lượng là 7 – 10 kg/m2 và định kỳ 1 – 2 lần/tháng bón vôi 1 – 2kg/100m3 để khử trùng chống ô nhiễm môi trường. Nguồn nước lấy từ ao phải trong sạch, 7 – 10 ngày phải thay nước 1 lần, thức ăn phải bảo đảm chất lượng cá tạp tươi, không ôi thiu, trong lúc vận chuyển hạn chế làm cho ba ba bị xây xát, tắm ba ba bằng thuốc kháng sinh hoặc nước muối trước khi thả và theo định kỳ. Ao nuôi ba ba phải làm chổ nghĩ ngơi và phơi nắng cho ba ba. Định kỳ trộn men tiêu hoá và vitamin C 5 – 10g/kg thức ăn cho ba ba ăn 2 lần/tháng.

Đến thời điểm tổng kết mô hình, sau thời gian hơn 7 tháng nuôi, tỷ lệ sống khoảng 80%, ba ba phát triển tốt, trọng lượng bình quân 530g/con, sản lượng ước đạt 169,6kg. Về hiệu quả kinh tế của mô hình, tổng chi phí (đã tính khấu hao xây dựng bể xi măng, chưa tính công chăm sóc) 20,9 triệu đồng. Giá bán ba ba thương phẩm hiện nay 200 nghìn đồng/kg; tổng thu 33,9 triệu đồng; lãi (chưa tính công chăm sóc) 13 triệu đồng
Ba ba là một trong những đối tượng tương đối dễ nuôi, có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn ở địa phương, đưa lại hiệu quả kinh tế. Nuôi ba ba mở ra một hướng mới trong nuôi trồng thuỷ sản tỉnh nhà, làm đa dạng hoá đối tượng nuôi, đồng thời tạo công ăn việc làm bà con ngư dân tại khu vực.

Tuy nhiên, nuôi ba ba với mức đầu tư vốn khá cao về con giống và thức ăn. Để đạt được trọng lượng thương phẩm >1kg cần tốn thời gian khá dài nên người nuôi phải chăm sóc đúng cách để hạn chế dịch bệnh xảy ra.

Được biết, sau khi nghiệm thu mô hình, hộ ông Trương Đình Vũ tiếp tục nuôi đến thời gian 12 – 15 tháng, khi đó ba ba đạt trọng lượng thương phẩm >1kg/con thì hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên rõ rệt.

Trung tâm Khuyến ngư đang đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh tiếp tục đầu tư kinh phí để nhân rộng mô hình này tại huyện đảo Lý Sơn.