Hiệu quả mô hình ấp trứng an toàn sinh học tại Can Lộc

ThienNhien.Net – Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Can Lộc đã chú trọng đến công tác chuyển giao kỹ thuật, du nhập nhiều giống gia cầm mới vào chăn nuôi, từ đó nâng cao số lượng, chất lượng đàn gia cầm, góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Với địa hình có nhiều sông, hồ, diện tích ruộng trũng lớn, nghề nuôi vịt lại cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ nông dân huyện Can Lộc đã phát triển mạnh chăn nuôi gia cầm. Đến nay, huyện có trên 450 ngàn con gia cầm các loại (gà, vịt, ngan, ngỗng), trong đó vịt 260 ngàn con, chiếm gần 58% tổng đàn gia cầm, phần lớn người dân nuôi vịt đẻ trứng nhằm cung cấp trứng, con giống cho các địa phương.

Cùng với phát triển chăn nuôi gia cầm, nghề ấp trứng của bà con nơi đây cũng phát triển mạnh, trung bình mỗi xã có từ 2-3 lò ấp trứng gia cầm, với công suất từ 2-9 ngàn quả trứng/ mẻ ấp, mỗi ngày có hàng ngàn quả trứng được xuất bán ra thị trường. Nhiều nhất là trứng vịt lộn, số lượng ấp nở con giống tuỳ theo thời vụ và nhu cầu của người chăn nuôi.

Tuy nhiên, nghề chăn nuôi gia cầm cũng như ấp trứng đang còn nhỏ lẻ, manh mún, mang tính truyền thống, việc ứng dụng kỹ thuật mới, giống mới vào chăn nuôi đang còn chậm, chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung theo phương thức an toàn sinh học (ATSH) chưa được đầu tư, chưa tạo ra con giống tốt, sạch bệnh, vì vậy dẫn đến năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Mặt khác, thời gian gần đây tình hình dịch bệnh phát sinh ở nhiều địa phương đã làm thiệt hại đến kinh tế cho các hộ chăn nuôi, ảnh hưởng đến sự phát triển ngành chăn nuôi gia cầm.

Để tạo điều kiện cho người dân ấp trứng đảm bảo ATSH theo Quyết định 1405/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện ấp trứng gia cầm và chăn nuôi thuỷ cầm, năm 2008, Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh đã hỗ trợ xây dựng mô hình ấp trứng ATSH tại xã Tùng Lộc huyện Can Lộc. Đây là địa phương có đàn vịt nuôi lớn, nhiều hộ ấp trứng gia cầm. Trung tâm đã hỗ trợ các loại vật tư như: Máy phát điện, cửa sắt, hoá chất: Formol, vôi bột… Ngoài ra, hộ tham gia còn được tập huấn về kỹ thuật ấp trứng, vệ sinh thú y trứng trước khi đưa vào ấp, công tác tiêu độc khử trùng, cách chọn vịt lấy trứng để ấp, phương pháp chọn lọc và bảo quản trứng, xông trứng, trở trứng, đặt trứng, lên khay trứng, soi trứng và kỹ thuật nuôi gia cầm mới nở…

Để mô hình thành công cán bộ kỹ thuật Trung tâm đã chọn hộ tham gia mô hình có những điều kiện như: địa điểm ấp trứng xa khu vực dân cư, trường học, bệnh viện, chợ, cơ quan và các nơi công cộng khác. Về vệ sinh thú y, trứng đưa vào ấp phải được sản xuất từ các đàn gia cầm bố mẹ khoẻ mạnh, an toàn dịch bệnh, đã tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm theo quy định; có nơi để xử lý gia cầm con chết, trứng hỏng, vỏ trứng và các chất thải khác; tiêu độc khử trùng định kỳ; dụng cụ ấp trứng, phương tiện vận chuyển trứng, gia cầm con phải được tiêu độc khử trùng sau mỗi lần sử dụng …

Bước đầu mô hình đã cho kết quả tốt giúp người dân tiếp cận với những kỹ thuật mới trong ấp trứng an toàn sinh học, từ đó hạn chế dịch cúm gia cầm xẩy ra trên địa bàn, góp phần phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao.