Cần lưu ý phòng tránh dịch sởi

ThienNhien.Net – Dịch sởi đang lan rộng ở một số tỉnh miền Bắc và đến nay diễn biến khá phức tạp. Theo Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), tính từ đầu năm 2009 đến nay đã có 11 tỉnh khu vực phía Bắc có bệnh nhân mắc sởi.

Dịch sởi diễn biến phức tạp

Trong những tháng gần đây, số người mắc sởi không ngừng tăng lên đặc biệt ở người lớn. Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia hiện tại đang quá tải bệnh nhân sởi. Tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến ngày 6/2 dịch sốt phát ban đã bùng phát tại 60 xã, phường thuộc 22 quận, huyện với 557 bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện, trong đó có 122 ca mắc sởi. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tính từ tháng 10/2008 đến nay có 322 người mắc sởi mà chủ yếu tập trung ở Hà Nội.

Trong đợt dịch này, đã có một số trường hợp bị biến chứng lên não, nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng thở, rối loạn tri giác. Trường hợp nặng nhất là một sinh viên trường Đại học Y, nhập viện từ cuối tháng 12 đến nay vẫn còn hôn mê. Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia mỗi ngày tiếp nhận thêm 5-6 ca sốt phát ban dạng sởi, mà chủ yếu là lứa tuổi thanh niên.

Trước tình hình dịch sởi bùng phát mạnh như hiện nay thì chúng ta cần có thêm hiểu biết về dịch bệnh này để có những phản ứng kịp thời.

Triệu chứng và nguyên nhân bệnh

Theo Y dược ngày nay, sởi là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do siêu vi gây ra, rất nguy hiểm vì tốc độ lây lan nhanh, khó khống chế dịch vì virus gây bệnh phân tán trong không khí, ai cũng có thể nhiễm. Thông thường, bệnh xuất hiện ở nhóm trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh thường kéo dài từ 10 tới 14 ngày, có thể gây những biến chứng như nhiễm trùng tai ở trẻ, tiêu chảy và ói mửa ở trẻ nhỏ, sưng phổi, sưng cuống phổi, sưng thanh quản, viêm não, thiếu tiểu cầu khiến máu khó đông, phụ nữ có thai mắc bệnh sởi có thể hư thai, sinh sớm hay sinh trẻ nặng cân.

Khoảng 10 tới 12 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi sởi, những triệu chứng có thể xảy ra ở người bệnh như: sốt, ho khan, chảy nước mũi, mắt đỏ, không chịu được ánh sáng, người mọc ra những đốm đỏ lớn. Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Ban bắt đầu mọc ở mặt, sau lan ra toàn thân và kéo dài từ 4 – 7 ngày.

Bệnh rất dễ lây. Có những tài liệu cho rằng 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây nếu chưa tiêm phòng sởi. Bệnh nhân thường có thể lây bệnh cho người khác 4 ngày trước khi vết đỏ xuất hiện. Khi bệnh nhân ho, hắt xì, hay nói chuyện, những giọt nước nhỏ xíu chứa siêu vi sẽ bắn ra không khí và người khác có thể hít vào hoặc những giọt này có thể rơi xuống một nơi nào đó như mặt bàn, điện thoại…Khi ta sờ vào những nơi này và đưa tay lên mũi hay miệng, ta sẽ bị lây bệnh. Hiện tượng tử vong khi mắc sởi thường không do virus sởi gây ra mà la do biến chứng.

Phòng ngừa như thế nào

Bệnh sởi là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất so với các bệnh khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo Sức khỏe và Đời sống, biện pháp tốt nhất hiện nay phòng sởi là phải tiêm vắc-xin sởi. Việc tiêm phòng vắc-xin nên thực hiện khi trẻ đủ 6 tháng tuổi, và nên tiêm nhắc lại mũi thứ hai khi trẻ đủ 6 tuổi bởi việc này có thể tạo miễn dịch 99% cho trẻ.

Nhiều nguồn thông tin hiện nay cho rằng để phòng tránh mắc sởi, tốt nhất người lớn cũng nên tiêm phòng. Tuy nhiên, theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thì chỉ nên tiêm vắc-xin cho những người chưa từng tiêm vắc-xin ngừa sởi, hoặc chưa từng mắc bệnh sởi. Việc tiêm chủng cho người lớn cũng cần phải được xem xét, cân nhắc kỹ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc tiêm vắc-xin cho đối tượng nguy cơ cao chỉ nên thực hiện khi dịch tập trung khu trú tại một vùng hay một nhóm đối tượng, vì vậy với tình hình dịch sởi xuất hiện rải rác như hiện nay Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chưa triển khai thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng đối với nhóm có nguy cơ mắc sởi cao.
Hiện nay, tất cả các Trung tâm Y tế của thành phố, quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đều có đủ điều kiện tiêm vaccine, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và sản xuất vaccine cũng đã sản xuất được vaccine sởi và đang trong giai đoạn thử nghiệm, dự kiến khoảng tháng 4-2009 sẽ được lưu hành.

Để chủ động ngăn không cho dịch bệnh lan rộng, ngày 05/02/2009 vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn yêu cầu các Trung tâm y tế, Phòng y tế và các bệnh viện trên địa bàn thành phố triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sởi, trong đó tập trung vào các nghiệp vụ như phát hiện nhanh triệu chứng bệnh, cách ly, giám sát, điều trị bệnh nhân, nâng cao chất lượng và giám sát an toàn việc tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 9 đến 12 tháng tuổi, duy trì việc báo cáo thường xuyên và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền chính xác về tình hình dịch bệnh.