Tiền Giang: Một nông dân lai tạo thành công giống dê “ bạch tuyết” mới lạ

ThienNhien.Net – Anh Đoàn Văn Hồng, 35 tuổi, nông dân ấp Giồng Lãnh 2, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, vừa mới lai tạo thành công ra một giống dê mới lạ. Đó là giống dê sữa “ bạch tuyết” (dê có màu lông trắng bạch giống như tuyết trắng, là dê lai F1).

Phương thức lai tạo ra giống dê mới lạ này của anh Hồng là: Con dê “ bạch tuyết” F1 được ra đời trên cơ sở dê bố mẹ được phối giống với nhau từ con dê bố Saanen (là giống dê trắng chính tông của Thụy Sĩ) với dê mẹ giống Bách Thảo sẵn có của gia đình anh.

Từ con dê Saanen đực có gốc Thụy Sĩ này ( do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang cung cấp) anh Hồng đã phối giống với 10 con dê Bách Thảo cái, đến nay, đầu tháng 2/2009, đã có 7/10 con dê cái thụ thai và trong số đó đã có 2 con dê mẹ đã sinh được 4 con dê con giống mới. Riêng 5 con dê Bách Thảo cái đã mang thai còn lại thì hiện đang chuẩn bị đến ngày sinh nở.

Theo anh Hồng cho biết, Saanen là giống dê gốc ngoại nhập từ Thụy Sĩ được du nhập vào Việt Nam bằng cách lấy tinh cọng rạ để lai với dê Bách Thảo. Đây là loại dê chuyên cung cấp sữa, có nhiều đặc tính tiến bộ, ưu điểm nổi trội: một con dê Saanen cái có khả năng cho đến 3.000lít sữa/1 năm. Riêng con dê giống mới F1 do anh Hồng vừa lai tạo thành công cũng có nhiều ưu điểm giống như dê bố, cụ thể như: ăn tạp, khỏe, chóng lớn và tăng trọng rất nhanh (chỉ mới sau khi được đẻ ra có hơn 1,5 tháng mà chú dê con F1 đã nặng được đến trên 15 kg, tăng trọng nhanh gấp 2- 3 lần so với các giống dê địa phương).

Thêm vào đó, dê giống mới này còn có khả năng kháng bệnh rất cao. Theo các kỹ sư và cán bộ kỹ thuật chuyên ngành của Trung Tâm giống nông nghiệp tỉnh Tiền Giang và Trung tâm Khuyến nông tỉnh trực thuộc Sở NN và PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, giống dê mới này hiện chưa phổ biến được nhiều ở trên địa bàn tỉnh cũng như ở các địa phương tỉnh khác trong khu vực vùng ĐBSCL. Điều chắc chắn là giống dê này có nhiều ưu điểm nổi trội hơn các loại giống dê truyền thống khác đang có sẵn ở địa phương, vì thế loài này cần được nhân rộng để giúp cho người chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, từ đó góp phần làm phong phú hơn chủng loại giống dê cũng như đàn dê nuôi ở địa phương.