Đồng bào Mường với việc quản lý nguồn nước

ThienNhien.Net – Trong các dân tộc thiểu số của Việt Nam, dân tộc Mường có số lượng dân cư khá đông, phân bố chủ yếu ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Sơn La. Với truyền thống canh tác lúa nước, người Mường rất coi trọng nguồn nước. Hình ảnh các mó nước đã trở thành đặc trưng văn hóa Mường. Có nguồn nước canh tác và sinh hoạt cũng là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu khi chọn đất lập làng của họ.

Nếu như ngạn ngữ Ấn Độ có câu: “Rừng là nguồn nước, nước là nguồn sống” thì trong thành ngữ Mường nói rằng “Làm cơm phải có mó, làm ló phải có đác” nghĩa là nấu cơm cần có nước, trồng lúa cũng cần có nước. Điều đó cũng có nghĩa từ rất xa xưa, người Mường đã ý thức được tầm quan trọng của nước trong cuộc sống của họ.

Trong quan niệm của người Mường, nguồn nước còn thể hiện sự giàu nghèo của làng. Làng nào có nguồn nước dồi dào sẽ được trù phú, nếu nguồn nước cạn kiệt thì làng đó sẽ nghèo kiệt.

Ngôn ngữ Mường có nhiều từ để chỉ nước. Ngoài một danh từ về nước là đác (hoặc rác, nác), họ còn có các từ và cụm từ khác nhau để chỉ nguồn nước cụ thể, chẳng hạn như mó hoặc vó, bó, mỏ (tùy theo vùng) để chỉ những mạch nước ngầm trong đất, ven suối, trên núi, rất trong sạch, thường được dùng để ăn uống, tắm giặt và một phần nhỏ để chăn nuôi và canh tác; hon (hoặc hón, họn) là từ để chỉ sông, suối, khe. Hon cái là sông, suối lớn và hon con là khe nhỏ.

Việc quản lý nguồn nước truyền thống của người Mường được tổ chức theo xóm. Mỗi khúc sông, đoạn suối, mó nước ở địa phận xóm nào là do xóm ấy trực tiếp là thổ lang xóm đó cai quản. Các xóm đều có những quy định riêng về bảo vệ và giữ gìn các nguồn nước.

Qua thời gian, người Mường đã tích lũy được nhiều tri thức trong sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước trên cả ba mặt: sinh họat, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Việc phân chia các loại nguồn nước như vậy giúp cho họ có cách thức sử dụng và quản lý riêng biệt riêng biệt để đảm bảo giữ gìn và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước.

Quản lý nguồn nước sinh hoạt

Người Mường ở Thanh Sơn(Phú Thọ) có quy định cấm thả trâu bò xung quanh có nguồn nước, cấm vứt các con vật chết xuống nguồn nước, phải chôn các con vật này ở xa nguồn nước, không được bố trí nghĩa địa ở gần hoặc phía trên nguồn nước. Ai vi phạm sẽ bị xử phạt. Ở mường Át trước đây gia đình nào vi phạm quy định của xóm sẽ bị “cách thuỷ, cách hoả” tức là không cho ăn cùng nguồn nước, không cho tắm cùng bến nước, không cho lấy lửa ở bếp nhà khác. Các hộ bị phạt sẽ mất hết quyền lợi trong xóm, mường.

Người Mường ở khu vực thuộc khu bảo tồn Ngọc Sơn – Ngổ Luông hàng năm đều có tu bổ, làm sạch nguồn nước. Việc làm bẩn nguồn nước sẽ bị xử phạt theo cách thức truyền thống: nhẹ nhất là nhắc nhở, bảo ban, cao hơn có thể bị dân làng phạt vạ (bắt gia đình người vi phạm khao dân làng). Hình thức xử phạt cao nhất là đuổi kẻ vi phạm ra khỏi cộng đồng.

Hàng năm vào dịp năm mới , mỗi gia đình người Mường ở Kim Bôi (Hoà Bình) cử một người đến làm sạch và tu bổ nguồn nước chung của làng. Nghĩa địa không được phép để gần nguồn nước ăn, ai vi phạm thì bị phạt và phải di chuyển mộ đi nơi khác. Theo luật tục của người Mường cấm không được đào bới bên trong và bên trên nguồn nước, không được giết mổ gia súc, gia cầm, vứt rác thải, súc vật chết tại bến tắm. Người nào làm bẩn nguồn nước sẽ phạt 20 kg thóc.

Người Mường ở Cẩm Thành (Cấm Thuỷ) quy định: Tất cả các gia đình trong làng đều phải có trách nhiệm gìn giữ bảo quản tất cả các mó nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Trong việc quản lý nguồn nước người Mường có những quy định khá chặt chẽ chẳng hạn như nguồn nước chỉ dân ở một làng nào đó được dùng, dân làng khác tuyệt đối không được phép dẫn nước,tháo nước về làng mình mà không nhận được sự đồng ý của làng đó thậm chí không được đánh bắt nguồn thuỷ sản trong địa bàn làng đó. Tất cả mọi người dân trong làng đều phải có trách nhiệm bảo vệ cũng như quản lý nguồn nước nói chung, không được làm ô nhiễm.

Các quy định của người Mường đều nhằm giữ gìn nguồn nước sinh hoạt trong sạch, tránh làm ô nhiễm môi trường và nguồn nước, ngăn chặn nguồn lây lan dịch bệnh cho người.

Quản lý nguồn nước sản xuất

Do chế độ nhà lang gắn liền với việc quản lý đất đai đặc biệt là ruộng nước nên thuỷ lợi là vấn đề quan tâm lớn của tầng lớp quý tộc này. Trong cuộc họp đầu năm tại nhà lang cun thuỷ lợi là vấn đề duy nhất được đưa ra bàn luận để rà soát xem có cần bổ sung hay chỉnh sửa các đoạn mương, phai…hay không?

Các xóm đều có quy định cấm không được phá hoại mương phai, không được tự ý xả nước ruộng để bắt cá, các hộ ruộng dưới không được tự ý tháo nước ở ruộng trên nêu chưa được cho phép của chủ ruộng trên.

Người Mường ở Thanh Sơn quy định:Cấm không được làm hỏng mương phai hoặc tự ý tháo cạn nước để bắt cá. Nếu ai làm hỏng phải đắp trả lại cho xóm và bị phạt tiền từ 0.5 – 1 quan tiền.

Người Mường ở Cẩm Thành (Cẩm Thủy) quy định những gia đình ở ruộng thấp không được tự ý đào bờ ruộng để cho nước ruộng trên chảy xuống ruộng nhà mình. Người ta để nước từ ruộng trên tự chảy tràn xuống ruộng dưới hoặc chỉ được phép dùng một ống luồng hoặc ống nứa xuyên qua bờ ruộng để lấy nước vào ruộng nhà mình.

Cũng theo quy ước trên, gia đình ở ruộng trên muốn dọn bèo cũng không được tự ý tháo nước để bèo trôi sang nhà người khác. Nếu tự ý tháo nước cho bèo trôi qua ruộng nhà khác sẽ bị phạt dưới hình thức dọn sạch bèo vương vãi trên ruộng và bồi đền chất màu đất bị nước rửa trôi bằng cách bón một lần phân chuồng.

Quản lý nguồn nước đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản

Việc quản lý nguồn nước đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản chủ yếu diễn ra trong thời kì phong kiến nhà lang: theo đó, lang các mường, các xóm sẽ quảnlý khúc sông, đoạn suối thuộc địa phận của xóm, mường mình và quản lý luôn nguồn thuỷ sản trên sông và suối đó.

Người Mường ở Cẩm Thành (Cẩm Thuỷ – Thanh Hoá) có quy ước cá, tôm, cua, ốc…ở khe suối là của chung, dân làng ai cũng có quyền được bắt nhưng cấm dùng thuốc đuộc như lá độc trong rừng bỏ xuống khe suối. Trên các đoạn khe suối nếu ai đó đào một cái hố có cắm vài cái tàu lá cọ để cho cá trú ẩn thì người đó có quyền được hưởng dụng số cá đánh bắt được, người khác không có quyền hưởng dụng. Hoặc gia đình nào có ruộng cạnh khe suối, nếu đắp bai lấy nước vào ruộng cá vào theo thì gia đình đó có quyền sử dụng số cá đó tuy nhiên đến mùa thu hoạch lúa sau khi chủ bai tháo cạn nước ở ruộng số cá ở bai được cả làng đánh bắt và hưởng dụng chung.

Ngày nay, chủ yếu các xóm có quy định không được sử thuốc để ruốc cá, không được dùng mìn hay kích điện bắt cá để bảo vệ nguồn nước và nguồn thuỷ sản . Như ở xóm Xè II ( xã Văn Miếu- Thanh Sơn) quy định không được dùng thuốc hoá học và dùng mìn để đánh cá vì nguồn nước ở đây còn sử dụng trong sinh hoạt.

Những qui định, hương ước trong việc quản lý tài nguyên nước của đồng bào Mường nhằm bảo vệ nguồn nước cho sinh hoạt hàng ngày đồng thời bảo vệ tránh khai thác cạn kiệt nguồn thuỷ sản tạo cơ hội cho sự tái sinh sản các loài thuỷ sinh. Cùng với thời gian những qui định, hương ước đó đã trở thành những bài học, kinh nghiêm quý báu được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong việc bảo tồn nguồn nước. Đó cũng là niềm tự hào của người Mường mỗi khi truyền đạt kinh nghiệm đó lại cho con cháu mai sau để bảo vệ nguồn nước cũng như bảo vệ chính đời sống tâm hồn trong sạch của mình.


Nguồn tham khảo chính: Báo cáo nghiên cứu “Tri thức địa phương của người Mường trong quản lý và sử dụng tài nguyên nước” của Trần Hồng Thu (Tạp chí “Dân Tộc học” số 149).