Người chăn bò trong thành phố

ThienNhien.Net – Trong cái nắng hanh của chiều đông, giữa phố xá ồn ào tấp nập ngày cận Tết, tôi đến tìm anh, một người nông dân thứ thiệt với cái tên Mắn “chăn bò”.

Gửi xe rồi đi bộ vòng vèo, hỏi thăm Mắn “chăn bò” mãi tôi mới vào được đến nơi. Nhếch nhác và tuềnh toàng là cảm nhận đầu tiên của tôi về khu nhà tạm nằm trong làng Mễ Trì Thượng, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ngó quanh ngó quẩn, nhìn thấy được một chuồng bò trống nhưng không thấy người gần đó, tôi vội vã gọi điện thoại. “Mắn đây, anh Mắn đây”. Tiếng gọi vọng từ đâu đó, tôi đưa mắt đảo quanh, có đến 4,5 người đàn ông trong cái lán trại xơ xác. Tôi hơi e dè bước vào, mọi người trong lán đang hối hả làm thịt chó cho bữa nhậu tối. Một người đàn ông nhỏ con, da đen ra mời nước, tôi cứ nghĩ đó là anh Mắn.

 lan trai
Lán trại xơ xác – nơi anh Mắn ở lại qua đêm cùng thợ bãi than để trông bò.

“Em gặp anh làm gì, anh tưởng em đi chụp ảnh đàn bò chứ, anh bận lắm, đang làm bữa để tất niên cho anh em còn về quê”. Tôi giật mình nghe tiếng một người đàn ông khác từ phía sau, hóa ra “Mắn bò” là anh chàng ấy, người nhỏ nhắn, da trắng, ăn mặc tươm tất, gọn gàng.

Hít một hơi dài thuốc lào, anh kể bằng cái giọng đặc sệt rằng trước đây làm nông vất vả nhưng gia đình cũng có đồng ra đồng vào, nhưng sau đất ruộng một phần bị thu hồi để làm đường và xây chung cư, phần còn lại không cấy hái gì được vì chẳng đủ nước tưới. Thấy cỏ mọc xanh tốt ở những ruộng hoang đang chờ triển khai dự án, anh bàn với gia đình đi thế chấp sổ đỏ vay tiền mua bò về nuôi, ấy là vào năm 2003. Đầu tư hơn 70 triệu đồng anh hùn vốn với người ta mua 20 con cả bò cả bê trong làng và cả những vùng lân cận, sau đủ tiền anh mua lại cả đàn bò để làm ăn riêng. Ban đầu, chưa có kinh nghiệm, bò chết nhiều, con chết vì ốm, con chết vì đẻ mà anh không biết đỡ, có khi chết cả bò mẹ bò con, sau thì đỡ hơn.

Cũng kể từ lúc anh “đâm đầu” vào đàn bò, đã thành cái lệ giờ giấc cứ y như công chức, 7h sáng anh rời nhà, 6h tối về. Nếu chỉ trông vào cái vẻ bảnh bao của anh chẳng ai bảo rằng đó là một tay chăn bò. Tôi nghĩ cũng có thể đó là phong cách của một anh chàng chăn bò thành phố chăng?

Anh cho biết chăn bò ở thành phố cũng khá vất vả, bởi tìm được nguồn thức ăn cho bò không phải dễ. Giữa cái nơi tấc đất tấc vàng này, nay là đồng cỏ, mai có thể đã thành khu cao ốc văn phòng. Câu nói của anh khiến tôi chợt nhớ đến những đàn bò cứ mỗi buổi sớm hoặc khi hoàng hôn thủng thẳng đi giữa quảng trường Mỹ Đình rộng lớn. Nó là nguồn cơn gây nên nỗi bực bội cho các chị công nhân vệ sinh ở đây, và đôi lúc cũng khiến tôi tò mò muốn nổi máu chụp vài cái ảnh cho hả lòng. Biết đâu trong đám ấy chẳng có bò nhà anh Mắn. Và nếu quả đúng như vậy thì cũng là điều dễ hiểu.

“Em không biết đâu, mấy bữa Hà Nội lụt nặng, nhà anh khốn khổ, huy động cả nhà và họ hàng đi chăn bò cùng, đâu cũng ngập cả, chỉ chăn được ở ven đường, bò bị đói. Vừa đói, vừa lạnh 6 con bò con bị chết, một con bò cái sắp đẻ xảy chân rơi xuống hố ga cũng chết, đến là khổ”.

 Man chan bo
Anh Mắn “chăn bò”.

Thấy tôi trêu, gọi là “đại gia bò”, anh Mắn phân trần “Mỗi năm bò đẻ một lần, nó cứ dần sinh sôi nảy nở, anh không phải mua thêm, đại gia gì chứ em, cả làng này có đến hơn 10 người nuôi bò, nhà ông Tèo cùng làng cũng có đến 30 con, còn nhà ông Bách ở Phú Đô cũng có 40 con còn gì”. Đùa anh vậy, nhưng thực lòng tôi vẫn coi anh như một “đại gia” vì ở tuổi 35, lại trên cái đất Hà thành bê tông nhiều đồng cỏ ít này anh dám đầu tư và đã phát triển được một đàn bò đến 40 con bò như vậy, ít người sánh kịp.

“Anh có định đầu tư lâu dài không, em thấy chuồng bò đơn sơ quá”.
“Dự định thì có nhưng khó mà thực hiện được”, anh tư lự khiến tôi càng tò mò. “Đất dựng chuồng bò là đất anh mượn chứ không thuê được nên không thể xây chuồng trại kiên cố, chỉ đóng cọc sơ sài qua được tháng nào biết tháng ấy. Giờ này sang năm em đến chưa chắc đã còn, nghe nói người ta sẽ triển khai xây dựng”.

Anh cho tôi biết anh đang dự định bán vợi bò đi, chỉ giữ lại một ít bò tốt làm giống.

 chuong bo
Chuồng bò tuềnh toàng anh Mắn dựng trên mảnh đất mượn – nơi “cư ngụ” của 40 con bò.

““Nổi tiếng” nhờ bò, giờ bò bán gần hết, anh sẽ làm gì?”. Anh trầm ngâm “Trước hết thì trả vốn vay, rồi đi học lấy cái nghề lái xe, anh định đi lái taxi”. Dự định của anh Mắn khiến tôi nhớ lại câu chuyện ti vi đưa mấy tháng trước, về những người nông dân bán đất lên thành phố, họ hùn vốn mua xe chở khách và rồi nhanh chóng lâm vào bế tắc.

Không biết anh Mắn có khác không. Nghề chăn bò ở thành phố như anh dù sao cũng chỉ là bấp bênh. Nay mai đất hết rồi, nhà tầng mọc lên, đồng ruộng và cỏ xanh bị thay bằng cát sỏi, bê tông, bò sẽ về đâu? Không chỉ có anh, còn nhiều hộ chăn nuôi khác, họ sẽ ra sao? Đất thủ đô san sát cao tầng, biệt thự, người nông dân xưa, mỗi người một ngả, tìm kiếm nghề mưu sinh mới. Xa lắm rồi cái thuở xưa kia…