Trăn trở với cây cao su

ThienNhien.Net – Cây cao su – một trong những cây trồng chủ lực của nền kinh tế – mới bước sang những ngày đầu năm 2009 đã có chuyện để bàn. Đó là chuyện Bộ Nông nghiệp sau khi đi kiểm tra Tây Bắc đã khuyến cáo nên thận trọng với việc phát triển đại trà cây cao su. Đó cũng là tâm trạng bất ổn của đông đảo bà con trồng cao su khi giá cao su trên thị trường rớt thê thảm.

Phát triển cao su ở Tây Bắc cần thận trọng

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã đi kiểm tra khảo sát miền núi phía Bắc và có chỉ đạo về việc phát triển cao su ở vùng này. Bộ chủ trương phát triển cao su ở một số tiểu vùng của Tây Bắc một cách thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học và thực tiễn chứng minh, Bộ NN&PTNT cho rằng chỉ nên phát triển cao su ở những vùng đạt được cả ba tiêu chí về đất đai, thời tiết và diện tích. Cụ thể, đó là những vùng ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La.

Năm 2007, ba công ty thuộc Tập đoàn cao su Việt Nam đã đầu tư vốn, giống, kỹ thuật để mở rộng diện tích cao su tại ba tỉnh trên.

Tại những vùng đã trồng, cây cao su sinh trưởng tốt nhưng chưa cho thu hoạch mủ nên chưa đánh giá được năng suất cũng như hiệu quả kinh tế của cây cao su so với các cây trồng khác ở vùng này. Bộ NN&PTNT đang tiếp tục nghiên cứu bộ giống để chọn ra giống phù hợp nhất, hiệu quả cao nhất.

Bộ cũng chủ trương phát triển cao su ở vùng này theo hai giai đoạn: giai đoạn đầu, phát triển cao su đại điền, gắn với các doanh nghiệp đầu tàu; sau khi đã tạo được nề nếp cho người dân thì mới phát triển cao su tiểu điền.

Việc phát triển cao su cũng cần Nhà nước và các doanh nghiệp lớn đỡ đầu để tránh rủi ro cho người dân. Mặt khác, do có nhiều loại cây chi phí rẻ hơn mà phát triển nhanh hơn và có giá trị hơn cao su, nên các tỉnh cần phải có kế hoạch chi tiết, vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ rừng.

Đừng vì rớt giá tức thời mà đốn cây

Vừa ra khuyến cáo thận trọng với việc mở rộng cao su Tây Bắc, Bộ NN&PTNT vừa phải trấn an tinh thần người dân trồng cao su trong cơn biến động giá mạnh.

Hiện nay, việc cao su đang rớt giá mạnh đã khiến bà con nông dân bi quan và có phản ứng tiêu cực. Trước tình hình trên, Bộ NN & PTNT Việt Nam và Tập đoàn Cao su Việt Nam đã khuyến cáo bà con nông dân không nên vội vàng đốn chặt cây trong lúc này mà cần phải bình tĩnh.

Đến thời điểm này, giá xuất khẩu cao su chỉ còn 1.000USD/tấn, trong khi tháng 7 năm ngoái, giá đạt mức 3.800 USD/tấn. Giá thu mua và xuất khẩu giảm mạnh đã khiến người trồng cao su vô cùng lo lắng và bi quan.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Thung – Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, giá cao su đang rớt mạnh là theo tình hình chung của thế giới. Nhiều doanh nghiệp cao su cũng cho rằng mặc dù mức giá hiện nay đang giảm, nhưng so với nhiều năm trước thì đây vẫn là mức giá cao. Cây cao su là cây công nghiệp dài ngày. Nếu bà con vội vàng đốn cây thì khi giá cao su lên sẽ không thể xoay sở kịp.

Ông Thung cũng cho biết, Câu lạc bộ cao su ASEAN ( gồm Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, và Singapore) đã đưa ra dự báo là nhu cầu cao su sẽ tăng nhanh trong năm tới.

Hiện nay, ngành cao su tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động và có giá trị xuất khẩu cao. Dự tính, đến hết năm 2008, giá trị kim nghạch xuất khẩu của cây cao su đạt 1,7 tỷ USD.

Với chương trình phát triển cây cao su đến năm 2020, Việt Nam hy vọng sẽ sản xuất 1,2 triệu tấn mủ, xuất khẩu trên một triệu tấn và trở thành nước sản xuất và xuất khẩu cao su đứng thứ ba thế giới.