Kết quả Đề án “Giảm thiểu tác hại của Arsenic trong nguồn nước sinh hoạt ở Việt Nam”

ThienNhien.Net – Ngày 13/12/2008, tại Hà Nội, Cục Quản lý Tài nguyên Nước – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Y tế tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Giảm thiểu tác hại của Arsenic trong nguồn nước sinh hoạt ở Việt Nam”. Tham dự hội thảo bao gồm đại diện các cơ quan liên quan, các cơ quan thực hiện Đề án cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên của 35 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh được xác định là có tỷ lệ ô nhiễm Arsenic cao.

Đề án “ Giảm thiểu tác hại của Arsenic trong nguồn nước sinh hoạt ở Việt Nam” được thực hiện từ năm 2006 với tổng kinh phí 17.658 triệu đồng. Sau hơn 2 năm thực hiện, các công việc điều tra đã được triển khai xong, hiện nay, các Bộ đang tổng hợp kết quả để báo cáo lên Chính phủ.

Kết quả điều tra nghiên cứu hiện trạng ô nhiễm arsen trong các hệ thống cấp nước tập trung nông thôn tại 4 vùng (Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ) cho thấy:
Vùng Bắc Bộ, qua kết quả phân tích mẫu nước của 2.156 công trình tại 26 tỉnh cho thấy vùng Bắc Bộ có thế chia ra làm 2 khu vực có hàm lượng Arsen khác nhau. Khu vực 1 bao gồm các tỉnh miền núi (Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên,…) có hàm lượng Arsen trong các nguồn nước nhỏ. Không phát hiện thấy mẫu nước nào có hàm lượng arsen lớn hơn 0,05mg/l. Khu vực 2 bao gồm các địa phương nằm trong vùng đồng bằng châu thổ các sông ở Bắc Bộ (Hà Nội, Hà Nam, Hà Tây, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Phòng,…) là những nơi có hàm lượng Asen cao hơn. Nhiều mẫu nước phát hiện thấy hàm lượng Arsen cao hơn TCCP ( >0,05mg/l) đối với nước ăn uống sinh hoạt (Hà Nội, Hà Nam, Hà Tây, Phú Thọ,…).

Vùng Trung Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có hàm lượng Arsen khá nhỏ (<0,01mg/l). Các tỉnh từ Đà Nẵng, Quảng Nam kéo dài đến Ninh Thuận có hàm lượng Arsen nhỏ nhưng đôi chỗ có phát hiện một vài mẫu có hàm lượng Asen cao, nhất là ở các dải ven biển nam Trung bộ. Một số mẫu ở khu vực Quảng Nam, Phú Yên theo kết quả nghiên cứu có hàm lượng Asen từ 0.01 đến 0,06mg/l. Tuy nhiên số lượng mẫu này không nhiều.

Vùng Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đăc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng). Các kết quả phân tích mẫu nước trong các công trình khai thác nước tập trung nông thôn của vùng cho thấy hàm lượng Asen khá nhỏ. Hầu hết các mẫu đều có hàm lượng Asen <0,01mg/l.

Vùng Nam Bộ, các công trình cấp nước tập trung nông thôn đã được khảo sát hầu như chưa có hiện tượng ô nhiễm Asen. Một số công trình tại Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu tuy có hàm lượng Asen cao hơn 0,01mg/l song không có mẫu nào cao hơn 0,05mg/l, vì vậy, vẫn đáp ứng yêu cầu cung cấp nước cho ăn uống và sinh hoạt.

Tại Hội thảo, các cơ quan thực hiện dự án cũng khuyến nghị, để giảm thiểu tác hại của Arsen đối với sức khỏe, tại các khu vực bị ô nhiễm arsen, nếu chưa có nguồn nước khác thay thế để phục vụ sinh hoạt thì bắt buộc phải qua hệ thống lọc, xử lý nước trước khi đưa vào sử dụng. Lựa chọn công nghệ xử lý nước nhiễm arsen phù hợp cần căn cứ vào hiện trạng, chất lượng nguồn nước; mức độ ảnh hưởng và có sự tham khảo, tư vấn của các nhà chuyên môn và các cơ quan chức năng.