Nhiều hạn chế trong việc triển khai dự án CDM

ThienNhien.Net – Được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng trong việc xây dựng và phát triển các dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM – Clean Development Mechanism), đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và xử lý chất thải, nước thải. Nhưng sau gần 4 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 35/2005/CT-TTg, số lượng dự án CDM được triển khai ở Việt Nam vẫn khá ít ỏi.


Cơ chế phát triển sạch liệu có thực sự bền vững?

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên&Môi trường, hiện cả nước mới chỉ có 100 văn kiện thiết kế dự án CDM được Bộ phê duyệt. Trong đó, chỉ 12 dự án CDM của Việt Nam đăng ký thành công tại Ban điều hành CDM quốc tế của Liên Hiệp Quốc.

Đáng chú ý là các dự án CDM vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, hầu hết mới chỉ được xây dựng và triển khai trong khối quốc doanh, khu vực kinh tế tư nhân thì hầu như chưa được khai thác.

Trong khi đó, thủ tục xây dựng và phát triển dự án CDM lại khá phức tạp, không chỉ trải qua thủ tục phê duyệt ở cấp quốc gia mà còn phải hoàn thành thủ tục kiểm định và đăng ký tại Ban điều hành CDM quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Đây là lý do chính khiến khả năng tiếp cận nguồn vốn CDM quốc tế của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được tiềm năng vốn có và thúc đẩy khối kinh tế tư nhân tham gia các dự án CDM.