Phát hiện dấu tích loài rùa nguyên thủy không mai

ThienNhien.Net – Các nhà khoa học Trung Quốc, Mỹ và Canada mới đây đã tìm ra dấu tích một loài rùa cổ từng có mặt trên Trái Đất cách đây 220 triệu năm tại một địa phương ở phía Tây Nam Trung Quốc.

Phát hiện này đã mang lại nhiều thông tin lý thú về loài bò sát vốn rất quen thuộc với con người. Được biết đến với tên khoa học là Odontochelys Semistestacea, loài rùa nguyên thủy này không có bộ mai như ta vẫn thấy, mà lại có hệ xương sườn. Tuy nhiên, chúng vẫn mang một tấm yếm cứng ở bụng như loài rùa hiện nay.

Việc nghiên cứu những hóa thạch tìm được của loài rùa nguyên thủy này đã khẳng định giả thuyết bộ mai của rùa hiện đại được phát triển từ chính xương sống và hệ xương sườn, chứ không phải từ các mảng sừng trên da giống như loài cá sấu.

Quá trình phát triển bộ mai của loài rùa cổ đại, mặc dù kéo dài qua nhiều thế hệ, cũng tương tự quá trình phát triển từ nhỏ đến khi trưởng thành của loài rùa hiện nay, khi xương sống và xương sườn phát triển nhô ra phía ngoài cho đến khi hình thành bộ mai.