Sông Hoàng Hà của Trung Quốc bị ô nhiễm nặng

ThienNhien.Net – Sông Hoàng Hà, con sông dài thứ hai ở Trung Quốc đã bị ô nhiễm nặng vì chất thải công nghiệp. Một báo cáo của Ủy ban bảo vệ sông Hoàng Hà cho biết 33,8% mẫu nước lấy từ con sông này không đạt tiêu chuẩn để trồng trọt, nuôi thủy sản, cũng như sử dụng trong công nghiệp.

Số liệu trên là kết quả một nghiên cứu tiến hành năm 2007 tại hơn 13.492 km của sông Hoàng Hà. Chỉ 16% mẫu nước xét nghiệm đạt mức cho phép sử dụng (theo thang chuẩn của Chương trình Môi trường LHQ – UNEP). Điều nguy hại là có tới 70% lượng chất thải vào sông Hoàng Hà xuất phát từ các nhà máy công nghiệp; 23% là chất thải sinh hoạt và 6,4% từ các nguồn khác.

Sông Hoàng Hà bắt nguồn từ tỉnh Thanh Hải (miền Tây) chảy qua Trung Quốc và đổ ra biển Bột Hải, cung cấp nước cho hàng triệu người dân ở miền Bắc.

Miền Bắc Trung Quốc là khu vực thiếu nước nhưng ngành công nghiệp lại phát triển mạnh. Chất lượng nước của con sông này đã xuống cấp nhanh chóng trong vài năm trở lại đây vì chất thải của các nhà máy, trong khi mực nước sông giảm vì phải chia dòng chảy cho các thành phố mới đang không ngừng mọc lên.

Chính phủ Trung Quốc đã phát động một chiến dịch trên cả nước nhằm giảm chất thải gây ô nhiễm của các nhà máy công nghiệp. Tuy nhiên, theo một báo cáo công bố hồi tháng 6 của Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc, tình trạng ô nhiễm nước sông ở trong năm 2007 đã ở mức nghiêm trọng. Hơn 20% mẫu xét nghiệm lấy từ 200 con sông đều không đạt tiêu chuẩn an toàn để sử dụng.

Một số thành phố của Trung Quốc bị xếp vào loại ô nhiễm nhất thế giới, do một số sông, hồ bị ô nhiễm sau những thập kỷ tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghiệp mạnh mẽ.

Hồi tháng Hai, ô nhiễm đã khiến một phần của hệ thống sông chính ở miền Trung nước này chuyển sang màu đỏ và sủi bọt. Một trong những trường hợp ô nhiễm nước sông nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc xảy ra tháng 11/2005, khi sông Tùng Hoa bị phát hiện có các hóa chất gây ung thư.