Quyết liệt chống tái ô nhiễm kênh, rạch

ThienNhien.Net – Đầu tư gần một tỷ USD để nạo vét, khơi thông dòng chảy, xây dựng hệ thống thoát nước, chỉnh trang đô thị, thành phố đã hồi sinh ba dòng kênh, rạch quan trọng gồm: Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé, Tân Hóa – Lò Gốm và một phần của kênh Đôi – kênh Tẻ. Những dòng kênh sống lại không chỉ góp phần làm trong sạch môi trường sống mà còn làm cho cảnh quan đô thị trở nên đẹp, hiện đại hơn trước. Tuy nhiên, thành quả này đang đứng trước nguy cơ bị mai một khi hiện tượng tái ô nhiễm xuất hiện ngày một nhiều và rõ ràng hơn.

Đơn cử như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài 9 km. Để có được dòng kênh sạch và đẹp như ngày nay, hơn năm nghìn hộ gia đình đã phải di dời đến sinh sống tại nhiều nơi khác, hơn 300 triệu USD từ ngân sách được đầu tư và mất hơn 10 năm để hoàn tất việc thi công, cải tạo. Nhưng hiện tại, theo thông tin từ Công ty Môi trường đô thị thành phố thì mỗi ngày, hơn 20 công nhân của họ phải rất vất vả mới có thể vớt, thu gom được từ bốn đến năm tấn rác, vào những ngày cao điểm, khối lượng rác thải có khi lên đến cả chục tấn. Tuy nhiên, lượng rác tồn lưu trên kênh vẫn không nhỏ. Dẫn đến tình trạng rác thải trôi nổi hoặc tụ lại thành từng mảng lớn bám dọc bờ kênh. Những nơi nước chảy chậm như ở các cửa thu nước trên đường Lê Bình giao nhau với Hoàng Sa hay cửa xả nằm cuối đường Út Tịch đều cùng nằm trên địa bàn quận Tân Bình, rác đóng thành bè bốc mùi hôi rất khó chịu.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Ảnh: Người Lao động)
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (Ảnh: Người Lao động)

Tuyến kênh Tàu Hủ – Bến Nghé đoạn chảy qua khu vực quận 8 và quận 6, nước có mầu đen kịt và bốc mùi hôi thối nghiêm trọng. Đó là những dòng kênh chính đã được tu bổ, cải tạo rồi. Còn một loạt kênh khác như kênh 19-5 đoạn chảy qua Khu công nghiệp Tân Bình được xem là điểm nóng về ô nhiễm hiện nay. Vì dọc kênh có rất nhiều cống xả thải của các công ty, nhà máy ở khu vực này đổ thẳng ra. Nước ở đây thay đổi theo từng giờ, lúc đỏ, lúc đen. Các tuyến kênh chảy qua đường Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình; kênh chảy qua đường Bạch Đằng, phường 15 và kênh chảy qua đường Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh; tuyến kênh nằm xen lẫn trong khu dân cư phường 3, 4, quận 4… cũng đang trong tình trạng tương tự.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đó là do ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của cư dân sống ở hai bên bờ các con kênh chưa cao. Tất cả các loại rác thải đều được tống thẳng xuống kênh. Chính đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố đã từng lên tiếng cảnh báo là “Việc tạo dựng dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được như ngày nay là cả một sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, kiên trì thực hiện hơn 10 năm. Thế nhưng, sự thiếu ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân đã và đang khiến con kênh một lần nữa có nguy cơ tái ô nhiễm”.

Vì thế, để tránh cho các dòng kênh không bị ô nhiễm trở lại, việc cần trước nhất là ngăn chặn triệt để tình trạng xả nước thải, vứt rác bừa bãi xuống lòng kênh. Làm được việc này không hề dễ. Nhất là chỉ tuyên truyền, vận động người dân không thôi như xưa nay vẫn làm thì như Giám đốc Công ty Môi trường đô thị thành phố nói, nếu chờ ý thức người dân phải mất hàng chục năm, có khi qua vài thế hệ, trong khi môi trường đang là vấn đề cấp thiết. Thế nên, đi cùng với tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức thì cần đưa ra các biện pháp, chế tài bắt buộc cụ thể và phải có người chịu trách nhiệm rõ ràng.

Về mặt quản lý nhà nước thì cần giao trách nhiệm giữ gìn, ngăn chặn việc vứt rác xuống kênh cho chính quyền quận, huyện, xã, phường. Các xã, phường lại có các hình thức tổ chức hoạt động cụ thể như lập các tổ, đội vận động người dân trong khu vực không vứt rác xuống kênh, rạch. Đồng thời giám sát chặt chẽ và có hình thức xử phạt với những ai cố tình không thực hiện việc vứt rác đúng chỗ. Mức phạt cần phải tính toán sao cho có đủ sức răn đe và khiến cho ai cũng phải dè chừng, không dám tự ý làm bừa, làm ẩu.

Kết hợp với việc lắp các camera dọc hai bên bờ kênh để theo dõi, giám sát 24/24 giờ trong ngày để phát hiện những người vứt rác. Việc này, giống như ở nhiều tổ dân phố trên địa bàn, người dân góp tiền, chính quyền hỗ trợ thêm lắp camera an ninh để chống trộm. Kết quả là nạn trộm cắp trong khu dân cư giảm hẳn. Với những hộ gia đình sống ở hai bên bờ kênh, nhất là những nhà hàng, khách sạn, quán ăn ở mặt tiền thì cần vận động họ cam kết bằng văn bản là không vứt rác, xả thải xuống kênh.

Nếu vi phạm thì phạt nặng và buộc phải lao động công ích trong một thời gian nhất định bằng cách đưa đi vớt rác trên kênh. Cùng với đó, thành phố cần đặt nhiều thùng rác ở hai bên bờ kênh và thu gom kịp thời. Bên cạnh đó, cần tính đến giải pháp thành lập các đội “giải cứu kênh, rạch” giao cho đoàn thanh niên kết hợp với ngành môi trường đô thị chuyên trách về vấn đề này, coi đây là nhiệm vụ, nội dung mới trong hoạt động của đoàn thanh niên.

Tóm lại là phải có nhiều hình thức, biện pháp để vừa nâng cao ý thức vừa buộc người dân phải thực hiện nghiêm lệnh cấm vứt rác xuống kênh, rạch. Cần xác định đây là việc cần làm ngay và làm quyết liệt bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở và phải có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. Nếu không, các dòng kênh sẽ tái ô nhiễm trong một ngày không xa.