Lượng NF3 gây hiệu ứng nhà kính lớn hơn dự đoán

ThienNhien.Net – Lượng Nitrogen trifluoride (NF3) – một loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính có khả năng làm khí quyển Trái Đất nóng gấp hàng nghìn lần so với khí CO2 - tồn tại trong khí quyển thực tế nhiều gấp 4 lần so với những dự đoán trước đây.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hải dương học Scripps, Mỹ, sau khi áp dụng hệ thống phân tích mới, lượng khí NF3 trong khí quyển được phát hiện năm 2006 đã lên đến 4.200 tấn, nhiều hơn so với ước tính 1.200 tấn trước đây.

Nghiên cứu cũng dự đoán lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính này trong khí quyển năm 2008 sẽ là 5.400 tấn, tăng trung bình 11% mỗi năm.

NF3 là loại khí không màu, không mùi, không bị đốt cháy và có khả năng làm bầu khí quyển Trái Đất nóng hơn 17.000 lần so với cùng một số lượng khí CO2. NF3 không chỉ có khả năng hấp thụ khí nóng từ Mặt Trời lâu hơn CO2 mà còn tồn tại trong khí quyển lâu hơn gấp 5 lần.

Trước đây, sự phát thải khí NF3 – thường được sử dụng trong quá trình sản xuất TV màn hình phẳng tinh thể lỏng và các vi mạch điện tử, là quá nhỏ để được coi là một yếu tố đáng kể gây ra hiện tượng Trái Đất nóng lên. Do vậy, NF3 không nằm trong danh sách những loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính cần cắt giảm của Nghị định thư Kyoto năm 1997.

Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định hiện nay khí NF3 cũng cần phải được kiểm soát, giống như CO2, do nhu cầu sử dụng loại khí này đang ngày một tăng lên.

Toàn bộ nghiên cứu trên sẽ được công bố trên Tài liệu nghiên cứu địa vật lý số ra ngày 31/10 của Hiệp hội địa vật lý Mỹ.