Biến đổi khí hậu và vai trò của các thành phố

ThienNhien.Net – Việc các thành phố thường bị coi là nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính đang ngăn cản những nỗ lực chống lại sự biến đổi khí hậu. Đó là lời cảnh báo mới đây được đăng trên tạp chí Environment and Urbanization (Môi trường và Đô thị) số Tháng 10/2008 của tác giả David Satterthwaite, thành viên Viện Nghiên cứu Quốc tế về Môi trường và Phát triển (IIED).

Bài báo chỉ ra quan niệm sai lầm cho rằng thành phố là nguồn gốc của 75 – 80% khí thải ô nhiễm gây hiệu ứng nhà kính, trong khi trên thực tế con số này chỉ là gần 40%. Chính vì thế việc gắn nguyên nhân thay đổi khí hậu với các thành phố là sai lầm, cản trở việc biến thành phố thành một phần giải pháp quan trọng trong việc giảm thiểu thay đổi khí hậu, đem lại mức sống cao và phát sinh hiệu ứng nhà kính thấp.
Satterthwaite đã dùng số liệu từ các báo cáo về thay đổi khí hậu của nhiều quốc gia trên thế giới để chứng minh rằng chỉ 2/5 lượng khí thải nhà kính phát sinh từ các hoạt động trong thành phố; nông nghiệp và phá rừng chiếm 30%; phần còn lại do các nghành công nghiệp nặng, những hộ gia đình giàu có, các nhà máy sử dụng nhiên liệu ở các vùng nông thôn và những trung tâm đô thị nhỏ.
Bài viết cũng nhấn mạnh vào các nguyên nhân dẫn đên việc không xác định đúng được nơi phát sinh khí thải nhà kính. Một trong số nguyên nhân đó là khí thải phát sinh từ các nhà máy điện lại được tính vào nơi sử dụng chứ không phải địa điểm của nhà máy, tương tự, khí thải phát sinh từ ngành công nghiệp lại được tính cho những người sử dụng sản phẩm đó.
Cách tính lượng khí thải nhà kính theo người tiêu dùng đẩy lượng khí thải phát sinh thực tế của Châu Âu và Bắc Mỹ tăng cao trong khi con số này giảm xuống rất thấp ở Châu Phi, Châu Á và các nước Mỹ Latin.
Nhìn chung, những người dân giàu có sống ở ngoại ô thành phố gây ra khí thải nhà kính nhiều hơn so với những người dân trong thành phố, họ có nhà to hơn, cần nhiều khí sưởi ấm hay làm mát hơn, họ cũng cần nhiều ô tô và sử dụng chúng nhiều hơn.
Các thành phố hiện nay có nhiều cách để giảm lượng khí thải phát sinh trên một đầu người, chẳng hạn như khuyến khích đi bộ, đi xe đạp và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, sử dụng các ngôi nhà được thiết kế có khả năng tiêu thụ năng lượng ít nhất để sưởi ấm và làm mát.
Ngoài ra, cách thiết kế và hoạt động của các con đường trong thành phố cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Mức tiêu thụ xăng tính trên đầu người ở hầu hết các thành phố của Mỹ cao gấp 3 đến 5 lần ở các thành phố Châu Âu nhưng mức sống không cao gấp 3 đến 5 lần tương ứng.
Tóm lại, kết quả của nỗ lực giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới phụ thuộc vào hành động của các thành phố trong việc kết hợp nhịp nhàng giữa phát triển đời sống cao với mức phát sinh khí thải thấp.