Hiệu ứng của hiện tượng nóng lên toàn cầu đối với các cơn lốc xoáy

ThienNhien.Net – Trái ngược với lý thuyết cho rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ làm tăng mật độ của các cơn lốc xoáy nhiệt đới, các nghiên cứu khoa học gần đây cho biết hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể dẫn tới sự giảm mật độ song lại tăng cường độ của những cơn lốc xoáy trong điều kiện gió ngược.

Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại Học Miami, Mỹ do David Nolan đứng đầu đã phát triển những mô hình mới dựa trên máy tính để dự đoán mức độ ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên của đại dương và các điều kiện của gió đối với các cơn lốc xoáy nhiệt đới.

Các mô hình, đúng như giả thuyết, đã chứng tỏ mật độ của các cơn bão nhiệt đới tăng lên khi nhiệt độ của đại dương nóng lên. Tuy nhiên, “sự dịch chuyển của gió” – sự thay đổi hướng gió và tốc độ cùng chiều cao của những cơn gió lốc – kết hợp với hiện tượng nhiệt độ nước biển tăng, sẽ góp phần hình thành bão lốc ở phạm vi lớn hơn.

Nhiệt độ của đại dương và sự dịch chuyển hướng gió được xem như hai yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới việc dự đoán sự xuất hiện của các cơn bão lốc, không những trong các nghiên cứu dự báo thời tiết hàng ngày mà còn trong các nghiên cứu về thay đổi khí hậu.

Theo nhóm nghiên cứu trên, những mô hình mới này đã bổ sung vào những mô hình hiện tại vốn chỉ có thể phác thảo thời tiết toàn cầu nhưng không xây dựng được hình ảnh các cơn bão lốc một cách chính xác. Ngược lại, các mô hình mới này có thể tái hiện được các cơn bão lốc ở các khu vực nhỏ. Các nhà nghiên cứu hy vọng mô hình mới này sẽ mang tới một cái nhìn rõ hơn về mối tương quan giữa khí hậu và các hoạt động của bão lốc toàn cầu.