Hết Vedan lại tới Miwon

ThienNhien.Net – Trong những ngày tháng 9/2008 khi dư luận chưa hết bức xúc về vụ Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải thì ngay lập tức chúng ta lại có thông tin Miwon xả thải trái phép ra sông Hồng, gây ô nhiễm môi trường.

Công ty TNHH Miwon Việt nam là công ty 100% vốn Hàn Quốc chuyên sản xuất mì chính và các sản phẩm như bột canh, tương ớt, bột chiên, tinh bột sắn. Trong những năm vừa qua doanh nghiệp này không ngừng mở rộng qui mô sản xuất. Trước đây công ty này chủ yếu sử dụng nguyên liệu ngoại nhập, từ năm 2006 công ty đầu tư 20 triệu USD để mở rộng công ty, tập trung vào sản xuất và xử lý nguyên liệu tại chỗ.

Người dân quanh khu vực cho biết hiện tại công ty Miwon vẫn sử dụng đường ống dẫn nước thải cũ của nhà máy miến, Mì chính Việt trì, Vĩnh Phú trước đây mà không có nâng cấp. Hậu quả là năm 2007 do không đáp ứng được nhu cầu xả thải quá cao do nhà máy tăng công suất, lượng nước thải đổ ra quá nhiều, đường ống này đã bị vỡ gây ô nhiễm nghiêm trọng cho dân cư xung quanh

Một thông tin nữa mà các hộ dân ở đây cho biết là nguồn nước giếng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của họ đã không sử dụng được nữa vì có màu lạ và bốc mùi khó chịu. Không những thế, trong thời gian qua các căn bệnh ung thư mà chủ yếu là ung thư phổi và ung thư tủy sống đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân.

Từ đó đến nay, bà con khu dân cư xung quanh Công ty Miwon đã không dưới 10 lần gửi đơn thư kêu cứu lên cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ, Công ty Miwon, nhưng mọi viêc đâu vẫn hoàn đó. Để “sống chung” với ô nhiễm môi trường, người dân đã có giải pháp tình thế bằng cách bịt khẩu trang ngay cả khi đi ngủ.

Chính quyền địa phương nói gì?

Sau vụ việc vỡ đường ống năm 2007, đại diện của Miwon là bà Phạm Thu Hường và ông Vũ Đình Hưởng trong buổi họp ngày 10/07/2007 đã thừa nhận “việc dân phản ánh là đúng sự thật và sẽ khắc phục sửa chữa hoàn thiện để không gây ô nhiễm cho dân”. Mặc dù sự thật đã phơi bày ra trước mắt các cấp, doanh nghiệp thừa nhận nhưng vẫn không có gì thay đổi, người dân vẫn phải sống trong ô nhiễm.

 “Tôi có biết việc này. Tuy nhiên tôi chưa xử lý được, vì việc đó phải có quy trình như Phòng Tài nguyên Môi trường TP Việt Trì báo cáo lên. Nguyên nhân là vì trong thời gian qua, Công ty Miwon đang thử nghiệm dây truyền sản xuất mới nên có thể xảy ra chuyện này chuyện kia. Trong tuần tới chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra. Nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng, chúng tôi sẽ kiến nghị UBND tỉnh Phú Thọ đình chỉ sản xuất của công ty này”.

– Ông Lưu văn Doanh, Trưởng phòng quản lý môi trường, Sở TNMT Phú Thọ

Ông Trương Quang Bình – Phó Giám đốc Công ty Miwon, thừa nhận: “Tôi thừa nhận việc công ty gây ô nhiễm môi trường và xả nước thải ra sông Hồng là vi phạm. Nguyên nhân do chúng tôi kế thừa từ nhà máy trước đây, nên hệ thống xử lý nước thải đã quá tải. Từ tháng 5 – 2007, chúng tôi đã khắc phục bằng cách ký hợp đồng với “Trung tâm Tư vấn chuyển giao công nghệ nước sạch môi trường” để xử lý hệ thống nước thải bớt ô nhiễm nhưng do máy móc trục trặc không hoạt động được. Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Trung tâm để sửa chữa nhưng do năng lực của họ không có, họ đã không thể sửa chữa được. Chúng tôi vẫn đang tìm cách khắc phục”. Mặc dù vậy nhưng từ năm 2007 đến nay công ty vẫn sản xuất cũng như xả nước thải không qua xử lý ra sông Hồng một cách ngang nhiên.

Ông Ngô Quý Thiệu, Trưởng phòng PC36 – Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, từ trước đến nay PC36 Phú Thọ chưa hề nhận được phản ánh nào từ phía người dân. Tuy nhiên, trong một lần đi kiểm tra, Phòng CSMT nhận thấy Miwon có dấu hiệu vi phạm về quản lý rác thải nguy hại. Sau đó CSMT đã cùng cơ quan chức năng tiến hành lấy 4 mẫu nước ở 2 điểm: điểm chảy tràn ở hồ sinh học trước khi ra ngoài môi trường và điểm ngoài ống xả thải phía bờ sông Hồng. mặc dù vậy, đến giờ vẫn chưa có kết quả.

Cũng theo vị quan chức này thì nước thải bị ô nhiễm mức độ nào và liệu có đúng là Miwon chỉ thải ra 150m3/ngày đêm thì còn phải chờ kết quả điều tra. Trước đó, theo định kỳ, cơ quan môi trường kiểm tra Miwon 6 tháng một lần. Điều đáng nói là theo ông Thiệu, mặc dù việc sai phạm của Miwon là rõ ràng và kéo dài nhưng trong đợt kiểm tra ngày 4 – 7 mới đây, đoàn thanh tra của Cục Bảo vệ môi trường (Bộ TN-MT) chỉ xử phạt 200.000 đồng về hành vi sai phạm trong quản lý và thu gom chất thải nguy hại.

Đối với vụ Vedan gây ô nhiễm thì chúng ta còn có thể đổ lỗi là doanh nghiệp này đã quá tinh vi trong việc qua mặt các cơ quan chức năng. Còn ở đây việc Miwon xả thải lại được tiến hành một cách công khai nếu không muốn nói là rất “hồn nhiên”.