Đồng bằng sông Cửu Long: Nỗi lo sạt lở mùa mưa lũ

ThienNhien.Net – Bước vào mùa mưa lũ cũng là thời điểm tình trạng sạt lở ven kênh, rạch ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trở nên báo động hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, sông ngày càng ăn sâu vào đất liền, bao xóm thôn trù phú đang dần biến mất, hàng ngàn hộ dân mất đất, mất nhà sống lay lắt bên bờ sông lở dần từng ngày… Dù chính quyền cùng nhân dân địa phương đã cố gắng khắc phục sự cố, nhưng do sạt lở xảy ra quá nhiều nên rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm”.

Từ đầu mùa mưa đến nay, nhiều tỉnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra hàng trăm điểm sạt lở ven sông, kênh rạch. Việc sạt lở này đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây, gây ra nhiều thảm họa, làm mất nhiều ha đất, hàng trăm hộ dân phải di dời nhà ở đến nơi khác.

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu, do đó hiện tượng sạt lở bờ sông diễn biến ngày càng phức tạp, gây tổn thất tài sản, thậm chí tính mạng người dân. Khảo sát mới đây cho thấy, toàn tỉnh có 42 điểm sạt lở, nhiều khu dân cư dọc bờ sông Tiền đang bị “bà thủy” nuốt dần, trong đó ấp Vĩnh An (xã Vĩnh Hòa) rộng 400ha bị xóa sổ hoàn toàn. Tại huyện Chợ Mới, ở khu vực Thuận Giang (xã Kiến An) “bà thủy” cũng đang “nuốt” dần 1.300m bờ sông. Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư đã tổ chức di dời được hơn 2.300 hộ dân nhưng hiện còn hơn 500 nhà dân trong vùng nguy hiểm, còn trong vành đai sạt lở vẫn có hàng ngàn hộ dân sinh sống. Mới đây, tỉnh đã tiến hành xây dựng thêm ba cụm tuyến dân cư mới có quy mô bố trí 1.566 hộ, tổng kinh phí 115 tỉ đồng. Hiện ba nơi này chưa hoàn thành và cũng không thấm tháp vào đâu so với nhu cầu nơi ở cần bố trí cho dân.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân sạt lở là do thủy lực dòng chảy lớn, nhất là về mùa lũ; hình thái sông quanh co làm dòng chảy hướng vào bờ (về phía phải hoặc trái) ở từng đoạn; do cấu trúc địa chất không chắc chắn, dễ bị xói lở do sóng vỗ và do khai thác cát sông không đúng qui định như khai thác gần bờ, quá sâu.

Ngoài nguyên nhân do thủy triều, do phương tiện giao thông thủy bộ thì vấn đề kỹ thuật xây dựng đê bao chưa đạt yêu cầu cũng làm tác nhân gây sạt lở. Cụ thể, trước đây khi xây dựng đê bao chống lũ, đơn vị thi công không giải tỏa được mặt bằng nên không có khoảng lưu không. Qua nhiều ngày mưa lũ nước sông xâm thực, làm sạt lở đê và việc khắc phục rất tốn kinh phí và kém hiệu quả.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, thống kê các khu vực có nguy cơ sạt lở để di dời người dân, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản.

Và mặc dù, mỗi năm các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đều dành ngân sách cho công tác duy tu, nâng cấp các tuyến đường bộ, nhưng lại quên đầu tư cho giao thông đường thủy. Hiện tại, các tuyến kênh rạch trong tỉnh đều cạn và sạt lở gây trở ngại cho lưu thông. Nhiều ngành hữu quan cứ cho rằng kênh rạch nước còn chảy thì chẳng sao. Do đó khi xảy ra sự cố đường thủy thì rất tốn kém….

Được biết, chủ trương của hầu hết các tỉnh là đầu tư kinh phí để khắc phục, gia cố các điểm sạt lở, nhưng nguồn kinh phí này không thấm vào đâu. Hơn nữa, cứ khắc phục xong thì mùa lũ năm sau lại sạt lở. Bởi vậy, chính quyền địa phương các tỉnh đành phải dùng giải pháp trước mắt là vận động, tổ chức cho người dân trong khu vực kém an toàn di dời nhà cửa đến nơi an toàn hơn để sinh sống.

Thế nhưng, ở tỉnh Đồng Tháp, nhiều địa phương bị sạt lở đất nghiêm trọng nhưng không có chỗ bố trí nơi ở cho dân. Tỉnh này có 4.000 – 6.000 hộ dân sống trong vành đai sạt lở, từ đầu năm tới nay mới bố trí nơi ở cho 240 hộ dân. Tại huyện Hồng Ngự, xã Long Thuận có 779 hộ dân sống trong vành đai sạt lở, 104 hộ cần di dời khẩn cấp nhưng xã chỉ có cách vận động hộ nào còn đất trống cách xa bờ sông cho bà con mượn ở tạm.

Chuyện mượn đất ở tạm cũng không dễ dàng gì, dù xã đứng ra cam kết sẽ trả lại nhưng do tâm lý lo ngại nên nhiều người dân không đồng ý. Không có chỗ di dời, không ít hộ dân đành lây lất bên bờ sông đang lở dần, sông lấn vào tới đâu thì dân dỡ nhà, co lại tới đó. “Cứ nơm nớp lo sợ. Đêm không dám ngủ, hễ nghe tiếng động lạ là ào ra đường”, bà con kể.

Tỉnh Đồng Tháp hiện có gần 100km bờ sông Tiền và sông Hậu chạy qua 39 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị, thành phố bị sạt lở nặng nề. Nghiêm trọng nhất là huyện đầu nguồn Hồng Ngự, từ tháng 5 đến nay xảy ra 3 vụ sạt lở, cuốn trôi hàng trăm mét đường giao thông liên xã và phải di dời khẩn cấp 15 nhà dân. Điểm nóng nhất về sạt lở hiện nay là các xã Long Thuận, Long Khánh A và Phú Thuận.

Hiện nay, huyện Hồng Ngự đang xây dựng thêm 3 cụm tuyến dân cư để bố trí 1.000 hộ dân sống trong phạm vi bị sạt lở vào ổn định cuộc sống nhưng mọi việc mới ở giai đoạn bồi hoàn, đấu thầu xây dựng…

Không chỉ có Đồng Tháp hay An Giang, mà nhiều tỉnh khác như Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau và cả thành phố Cần Thơ… cũng đang diễn ra tình trạng sạt lở khá nghiêm trọng. Nhiều địa phương đã ra sức khắc phục và có biện pháp chống đỡ nhưng lực vẫn bất tong tâm. Và một mùa mưa lũ nữa lại về, nỗi lo sạt lở lại làm thao thức bà con nghèo nơi vùng sông nước này.