Nỗ lực vì trẻ em: Tiến bộ còn cầm chừng

ThienNhien.Net – Theo bản báo cáo “Tình hình trẻ em châu Á – Thái Bình Dương 2008” mới ra của UNICEF, Việt Nam được xếp trong nhóm nước đạt được những tiến bộ ở mức trung bình trong các hoạt động vì sự sống còn của trẻ. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể song tỉ lệ tử vong bà mẹ – trẻ em ở Việt Nam còn khá cao, giữa trẻ em nông thôn và thành thị còn khác biệt lớn về khả năng được tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cơ bản.

Cùng nhóm với Việt Nam là In-đô-nê-xia và Phi-líp-pin. Cả ba nước đều có nền kinh tế phát triển không đồng đều và đứng trước nguy cơ bị AIDS đe dọa. Cả ba nước đều trên đà đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ 4 (MDG4), giảm ít nhất 48% số tử vong ở trẻ em trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2006, song phải đối mặt với những thách thức để có thể giữ vững những thành tựu này và tiến xa hơn nữa.

 
UNICEF cho biết Việt Nam đang trên đà đạt được phần 2 của Mục tiêu Thiên niên kỷ 1 (MDG1), là giảm một nửa số người bị đói từ 1990 đến 2015. Tuy nhiên, tỉ lệ trẻ được được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời còn rất thấp, chỉ vào khoảng 17%. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ vẫn còn là mối lo thường trực đối với các ban ngành quản lý. Ước tính có tới ¼ số trẻ bị nhẹ cân.

Muc do tu vong o tre, can nuoc ASEAN

 

Bên cạnh đó, sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và tỉ lệ tử vong trẻ em giữa thành thị và nông thôn ở nước ta là đáng kể. Chẳng hạn, trẻ dưới năm tuổi sống ở nông thôn có nguy cơ bị tử vong cao gấp hơn hai lần so với trẻ sống ở thành phố.
 
Ngoài ra, có thể nhận ra sự bất bình đẳng trên khía cạnh tình trạng kinh tế. Dù chúng ta đã vượt qua MDG4 và giảm tỉ lệ tử vong của trẻ dưới năm tuổi xuống còn 17/1000 trẻ đẻ sống, nhưng sự chênh lệnh giữa tỉ lệ tử vong ở trẻ thuộc nhóm 20% người giàu nhất và nhóm 20% người nghèo nhất đang gia tăng. Điều đó cho thấy những tiến bộ đạt được phần lớn nằm ở khu vực người giàu có trong xã hội.
 
Trẻ em vùng dân tộc thiểu số thường bị thiệt thòi nhiều nhất vì ít được hưởng thành quả của sự phát triển. Đắc Nông, một tỉnh nông thôn ở cao nguyên trung bộ có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao gấp nhiều lần thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là Đắc nông có 35% trẻ dưới 5 tuổi bị nhẹ cân, trong khi đó con số này ở TP HCM chỉ là 10%.
 
Vẫn còn nhiều rủi ro cho sự sống còn của trẻ em và bà mẹ. Trong khi tỉ lệ người nhiễm HIV ở các nước bạn Cam-pu-chia, My-an-ma và Thái Lan giảm, ở Việt Nam tỉ lệ này đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian 2000-2005.
 

Nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở trẻ em, UNICEF khuyến cáo Việt Nam và các quốc gia trong khu vực cần:


– Tập trung các nguồn lực y tế vào các khu vực có tỷ lệ tử vong ở trẻ em cao nhất;


– Tăng cường các hệ thống y tế bằng cách khuyến khích các cộng đồng tham gia vào công tác dự phòng trong y tế công;


– Chăm sóc liên tục ngay từ thời đầu thai kỳ, cho đến khi trẻ được sinh ra và lớn lên đến tuổi vị thành niên;



– Tăng tối thiểu 2% chi phí cho y tế công (dựa vào các mức của năm 2001) để người nghèo nhất có thể được sử dụng các dịch vụ y tế công có chất lượng.



– Giải quyết tình trạng bất bình đẳng về giới hiện đang tồn tại thông qua giáo dục cộng đồng để họ có thể sử dụng tổt hơn các nguồn lực của gia đình phục vụ lợi ích của trẻ em.

Ở nước ta, cũng như các nước trong khu vực nói chung, phần lớn những người nhiễm HIV không nhận thức được tình trạng của mình. Điều này làm cho các chiến dịch truyền thông ngăn ngừa sự lan truyền của HIV và công việc chữa trị AIDS trở nên khó khăn hơn.
 
Không được xét nghiệm và tư vấn về HIV cùng với sự kỳ thị đã làm cho nhiều người ngại không tìm kiếm sự giúp đỡ. Mầm mống bệnh dịch HIV có tác động gián tiếp đến sự sống còn của trẻ, bởi vì tỉ lệ tử vong ở trẻ em và trẻ sơ sinh  cao hơn từ 6-7 lần trong các gia đình không có bố mẹ.
 
Nhận xét về khả năng đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) trong lĩnh vực y tế trên phạm vi toàn cầu, UNICEF cho rằng điều đó phụ thuộc rất nhiều vào thành công của Ấn Độ và việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu này của Trung Quốc.
Trong năm 2006 đã có 2,5 triệu trẻ em tử vong ở hai nước này, chiếm gần 1/3 tổng số trẻ em tử vong trên toàn thế giới: trong đó Ấn Độ (2,1 triệu) và Trung Quốc (415.000).