Phát hiện mới về loài bạch tuộc

ThienNhien.Net – Bạch tuộc là loài động vật thân mềm được đánh giá là thông minh nhất trong ngành động vật không xương sống. Đặc điểm nổi bật của loài này là có 8 xúc tu mà chúng ta thường nhìn thấy. Ngay thuật ngữ Octopus (bạch tuộc) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ cũng có nghĩa là tám chân. Nhưng theo một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học quốc tế cho thấy, những xúc tu mà chúng ta thường nhìn thấy ở loài bạch tuộc thực chất là 6 cánh tay và một đôi chân của chúng.

Tại 20 trung tâm hải dương học ở Anh, Bỉ, Đức, Phần Lan, Ireland và Hà Lan đã cùng tiến hành theo dõi bạch tuộc để tìm hiểu xem liệu loài vật này có xu hướng thường xuyên sử dụng chi ở một bên (phải hoặc trái) như con người hay không. Họ bỏ nhiều đồ chơi vào bể rồi theo dõi suốt ngày đêm. Họ ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, một số nhận thức cơ bản của con người về loài bạch tuộc cần được xem xét lại.

Thông thường, Bạch tuộc hay sử dụng 8 xúc tu có giác của mình để tiếp cận và sử dụng những “món đồ” mà chúng thấy “hấp dẫn” (giác là cơ quan giúp loài vật này bám chặt vào một bề mặt nào đó bằng sức hút). Từ trước tới nay người ta vẫn tin tám xúc tu của bạch tuộc chia thành hai nhóm, trong đó bốn xúc tu phía sau có nhiệm vụ đẩy cơ thể còn bốn xúc tu phía trước được sử dụng để thực hiện các thao tác khác như bắt mồi, đưa thức ăn vào miệng, dò đường.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài nghiên cứu, các chuyên gia đã nhận thấy loài vật này rất thường xuyên sử dụng 3 bộ xúc tu ở phía trước để bắt và vờn con mồi, tương tự như chức năng của những cánh tay người, trong khi cặp xúc tu còn lại nằm ở đằng sau lại có chức năng hỗ trợ di chuyển giống như một đôi chân.

Alex Gerard, một chuyên gia tại trung tâm hải dương học ở Brighton thuộc bờ biển phía nam nước Anh, cho biết: “Tại tất cả trung tâm hải dương học tham gia nghiên cứu, chúng tôi đều nhận thấy một hiện tượng là bạch tuộc chỉ dùng cặp xúc tu sau cùng để đẩy cơ thể mỗi khi muốn bơi. Hai chi trước của chúng có nhiệm vụ dò tìm và định hướng. Bốn chi ở giữa được sử dụng để hỗ trợ cặp chi sau và chi trước trong những trường hợp cần thiết”.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy khi rơi vào tình thế khó khăn, bạch tuộc luôn sử dụng cặp xúc tu thứ ba để hỗ trợ cặp xúc tu thứ nhất, chứ không tham gia vào thao tác đẩy cơ thể. Điều này trái ngược với quan niệm cho rằng, bốn chi phía sau của chúng có nhiệm vụ đẩy cơ thể.

Clair Little, trưởng nhóm nghiên cứu tại trung tâm ở Weymouth (Anh), cho biết: “Hơn một nửa số bạch tuộc được theo dõi không tỏ ra có thiên hướng sử dụng các chi bên phải hay bên trái thường xuyên hơn. Số còn lại chia thành hai nhóm có số lượng xấp xỉ bằng nhau, trong đó một nhóm hay sử dụng các chi bên phải và nhóm kia thường xuyên dùng các xúc tu bên trái. Các con mắt của bạch tuộc đều hướng về phía trước cơ thể, vì thế chúng sử dụng mắt để xác định xem nên dùng xúc tu nào trong một tình huống cụ thể. Nhìn chung bạch tuộc có xu hướng chọn xúc tu gần vật thể nhất”.

Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng nếu như ở con người và một số loài vật khác tồn tại hiện tượng “thuận tay phải” hoặc “thuận tay trái”, thì hiện tượng tương tự cũng xuất hiện ở loài bạch tuộc. Loài vật này thực hiện hành vi bắt con mồi thông qua những dữ liệu thu thập được từ việc quan sát. Thị lực của bạch tuộc có dấu hiệu yếu hẳn đi ở phía mà chúng không “thuận”, ngược lại khi một con mắt bị giảm tầm nhìn, các “cánh tay” của bạch tuộc ở phía còn lại sẽ trở nên linh hoạt hơn.