Brazil mất 953.000 ha rừng Amazon trong vòng 30 năm

Cổng thông tin G1 của Brazil mới đây công bố kết quả một nghiên cứu bằng hình ảnh vệ tinh cho biết, quốc gia Nam Mỹ này đã mất 953.000 ha diện tích rừng phòng hộ tại vùng rừng nhiệt đới Amazon trong vòng 3 thập kỷ qua.

Theo các số liệu của Mapbiomas – dự án nghiên cứu về sự biến mất của các khu vực rừng phòng hộ trong rừng Amazon trong 30 năm gần đây – con số 953.000 ha rừng bị biến mất trên bao gồm cả các khu vực bảo tồn, vùng đất bản địa và các vùng đất nội địa.

Ảnh minh họa: Internet

Các nhà nghiên cứu cho biết, con số này tương đương với 6 lần diện tích của thành phố Sao Paulo, thành phố lớn nhất của Brazil và của Nam Mỹ.

Kết quả của Mapbiomas cho biết thêm, không tính các vùng rừng phòng hộ, diện tích rừng Amazon bị tàn phá trong vòng 30 năm qua đã lên tới 39,8 triệu ha, tương đương với 19% tổng diện tích rừng tự nhiên từng tồn tại trong năm 1985.

Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy, 84% diện tích bị mất đi của khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này đã trở thành các khu vực đất phục vụ nông nghiệp, bao gồm cả đồng cỏ chăn nuôi và đất trồng trọt.

Là quốc gia sở hữu nhiều nhất diện tích ¨lá phổi xanh¨ của Trái Đất, nhưng Brazil cũng là nước mất nhiều rừng nhất năm 2018 với gần 16.187 km2. Nguyên nhân chủ yếu do phá rừng phục vụ cho hoạt động chăn nuôi gia súc, trồng đậu tương hay khai thác mỏ.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường nước này đã bày tỏ quan ngại về khả năng diện tích rừng Amazon sẽ còn bị thu hẹp hơn nữa bởi Chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro từng tuyên bố ý định khám phá và khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên của khu rừng già này để phục vụ các lợi ích về kinh tế.