Cà Mau: Kinh tế thủy sản trước ngưỡng cửa năm 2010

ThienNhien.Net – Mặc dù cơ cấu kinh tế Cà Mau đang phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp để trở thành tỉnh công nghiệp từ năm 2010 trở đi, nhưng Cà Mau vẫn xác định thuỷ sản tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn và con tôm là sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Tỉnh phấn đấu đến năm 2010, sản lượng thủy sản đạt 390.000 tấn, chế biến và xuất khẩu thủy sản (XKTS) hơn 100.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 25% chỉ tiêu phấn đấu của cả nước.

Trước ngưỡng cửa năm 2010, Cà Mau phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) với nhiều loại hình như: chuyên canh, luân canh tôm – lúa, tôm – vườn, nuôi tôm kết hợp nhiều loài thủy sản khác có giá trị kinh tế cao, nuôi trồng hải sản ven biển, trong đó tập trung đầu tư nuôi công nghiệp, quảng canh cải tiến, bán thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật để tăng năng suất và phát triển bền vững, cung cấp nguyên liệu cho chế biến XKTS.

Cà Mau thực hiện gắn kết các doanh nghiệp chế biến XKTS với các vùng, tiểu vùng NTTS theo phương thức liên kết “4 nhà” nhằm xây dựng vùng nguyên liệu ổn định và bền vững. Trên cơ sở đó, tỉnh tăng cường công tác khuyến ngư, hiện đại hóa hệ thống sản xuất giống thủy sản, đẩy mạnh đầu tư chuyển giao ứng dụng công nghệ sản xuất các giống thủy sản có chất lượng và giá trị kinh tế cao, đáp ứng đủ giống tốt cho nhu cầu thả nuôi của nông dân; chọn lọc giống thuỷ sản sạch bệnh, năng suất cao phù hợp với từng vùng sinh thái mặn, ngọt và lợ.

Tỉnh tổ chức sản xuất gắn với quản lý cộng đồng, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác NTTS để thống nhất quản lý môi trường, nguồn nước, thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm…

Cà Mau tiếp tục đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS, xây dựng những vùng sản xuất tập trung để áp dụng công nghệ tiên tiến, tạo sản lượng hàng hóa lớn, chất lượng tốt, đồng đều và ổn định, đồng thời đảm bảo môi trường sinh thái; xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi hiệu quả.

Đổi mới công tác khuyến ngư, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất và giá trị sản phẩm; từng bước tiếp cận với công nghệ sinh học và công nghệ cao trong sản xuất. Phát triển nguồn nhân lực gắn với đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ; áp dụng các biện pháp cải tiến kỹ thuật, công nghệ và quản lý để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh cho hàng thủy sản.

Đối với khai thác đánh bắt trên ngư trường, Cà Mau chuyển dịch nhanh cơ cấu ngành nghề theo hướng ổn định sản lượng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu các nghề sát hại nguồn lợi thủy sản gắn với tăng cường đầu tư hạ tầng nghề cá; chú trọng khai thác xa bờ; phát triển ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thuyền; phát triển dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác biển.

Trên lĩnh vực chế biến và xuất khẩu, Cà Mau đẩy mạnh đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản theo hướng tinh chế, đa dạng hóa mặt hàng, nhất là các sản phẩm chín, ăn liền; nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu, đảm bảo đầu ra cho sản xuất phát triển bền vững và hiệu quả; đầu tư chế biến các sản phẩm mới ngoài con tôm như: mực, cua, cá…; đẩy mạnh xuất khẩu đi đôi với khai thác hợp lý, hiệu quả thị trường trong nước. Cà Mau tập trung vốn đầu tư xây dựng hệ thống giao thông các vùng sản xuất nguyên liệu, cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư.

Hiện nay, Cà Mau có tổng diện tích mặt nước NTTS hơn 275.000 ha, trong đó nuôi tôm hơn 250.000 ha, chiếm khoảng 42% diện tích NTTS vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 27% diện tích NTTS cả nước; năng suất tôm nuôi bình quân đạt 382 kg/ha. Diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao tăng lên 2.173 ha, với năng suất từ 600 – 1.200 kg/ha/vụ; nuôi tôm công nghiệp 1.115 ha, năng suất bình quân trên dưới 5 tấn/ha/vụ. Cà Mau đang triển khai chủ trương nuôi tôm thẻ chân trắng và bước đầu nuôi thí điểm thành công với năng suất 8 – 10 tấn/ha sau 3 tháng nuôi. Năm 2008, sản lượng NTTS dự kiến đạt 193.000 tấn, trong đó có 102.000 tấn tôm.

Toàn tỉnh hiện có 3.642 tàu cá, với tổng công suất 353.411 CV, trong đó có 1.193 tàu công suất từ 90 CV/chiếc trở lên đủ khả năng khai thác xa bờ. Cơ cấu ngành nghề trên lĩnh vực này đã giảm mạnh các phương tiện đánh bắt ven bờ, sát hại nguồn lợi thủy sản (chỉ còn 13,8%), tăng các nghề lưới rê, vây, câu mồi, câu mực (chiếm 74%) và tàu dịch vụ trên biển. Việc áp dụng công nghệ mới đã có những thành công ban đầu… Dự kiến sản lượng khai thác thủy sản biển năm nay là 134.000 tấn, tương đương so với năm 2007.

Cùng với đó, năng lực công nghiệp chế biến thuỷ sản ở Cà Mau đã được đầu tư cả chiều rộng và chiều sâu. Tỉnh có 23 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản với 32 nhà máy trực thuộc, tổng công suất chế biến 147.589 tấn/năm, trong đó có 27 nhà máy chế biến xuất khẩu với công suất 123.589 tấn/năm. Các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng chiến lược về thị trường, nguyên liệu, sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy, Cà Mau là tỉnh có sản lượng chế biến xuất khẩu và kim ngạch XKTS đứng đầu cả nước. Năm 2008 này, Cà Mau dự kiến chế biến hàng thủy sản xuất khẩu đạt 75.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt 670 triệu USD, tăng 11,67% so với năm 2007.

Tuy vậy, kinh tế thủy sản Cà Mau phát triển chưa thật sự bền vững, chuyển đổi cơ cấu sản xuất có lúc, có nơi diễn ra ồ ạt, tự phát, làm suy giảm môi trường sinh thái, tiềm ẩn rủi ro cao trong sản xuất. Những điều kiện cần thiết, yếu tố quan trọng phục vụ sản xuất như: thủy lợi, giống, kỹ thuật… chưa đáp ứng kịp yêu cầu; vốn đầu tư cho NTTS còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi. Nghề khai thác biển của Cà Mau chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là về kỹ thuật đánh bắt, dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác biển….