Thả vôi xuống biển để hạ nhiệt độ trái đất

Để giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do con người thải ra (chủ yếu là CO2), ổn định nhiệt độ trái đất, một số nhà khoa học đề nghị thả vôi xuống biển ở một số vùng nhiều đá vôi, hoặc có nắng quanh năm.

Ý tưởng cho vôi xuống đại dương nhằm chống lại việc khí hậu trái đất nóng lên bởi khí CO2 do con người thải ra từng được Haroon Kheshgi đưa ra vào năm 1995, nay được các nhà khoa học đưa vào nghiên cứu chi tiết. Chương trình nghiên cứu này do công ty dầu lửa Shell tài trợ. Các nhà nghiên cứu đã đặt ra giải pháp cho vôi hút khí cacbonic dưới các đại dương.

Theo họ, thậm chí dù cố gắng giảm triệt để lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do con người thải ra (chủ yếu là lượng khí cacbonic tích tụ trong khí quyển do đốt các nguồn năng lượng hóa thạch), thì nhiệt độ trung bình của trái đất cũng sẽ không thể ổn định và vẫn sẽ tăng thêm khoảng vài độ nữa vào cuối thế kỷ này. Vì vậy cần phải giảm lượng khí do con người thải ra trong khí quyển, hay cụ thể hơn là trong vòng tuần hoàn cacbon giữa đại dương – khí quyển.

Đại dương đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết lượng khí cacbon trong bầu khí quyển do đại dương có khả năng hòa tan khí này, tuy nhiên hiệu quả không cao và mất nhiều thời gian.

Ý tưởng đầu tiên về việc giảm lượng khí cacbon rất đơn giản. Đó là thả vôi xuống đại dương, để tạo phản ứng với khí cacbonnic nhằm tạo ra canxi bicacbonat, kết tủa thành đá vôi. Ý tưởng này nghe qua thì rất thú vị và có hiệu quả, nhưng khi đưa vào nghiên cứu lại vấp phải rất nhiều khó khăn.

Trước tiên muốn sản xuất vôi thì phải nung đá vôi ở nhiệt độ cao, nhưng bản thân việc này cũng tạo ra khí CO2. Thứ nhất, tuy các nhà nghiên cứu giả đáp rằng vôi ở trong nước có thể hấp thụ gấp hai lần lượng khí CO2 do việc nung đá vôi thải ra, nhưng việc này chỉ làm lơ là thêm việc sản xuất năng lượng cần thiết để nung vôi. Nếu năng lượng được sử dụng là dầu, thì mục tiêu giảm lượng khí CO2 sẽ trở nên khó khăn hơn.

Thứ hai, lý do về kinh tế cũng cản trở khả năng thực hiện ý tưởng của Kheshgi. So sánh giữa chi phí sản xuất vôi và chi phí dành cho việc giảm khí CO2, và tính đến yếu tố hiệu quả hiện tại của việc đổ vôi xuống đại dương, thì giải pháp chống lại sự nóng lên của khí hậu trái đất này dường như chưa được thuyết phục lắm.

Hiện Tim Kruger, cố vấn điều hành của Công ty Corven, và một vài nhà nghiên cứu khác vừa mở một diễn đàn về vấn đề này trên mạng, thu hút sự tham gia của các nhà địa chất học, hóa học và các nhà công nghiệp. Một số nhà khoa học đã đề nghị thả vôi xuống biển ở một số vùng nhiều đá vôi, hoặc có nắng quanh năm.

Vùng đất thuộc đồng bằng Nullarbor, Australia có vỉa đá vôi có thể tích 10.000km3, nơi nhận được năng lượng mặt trời lên đến 20 triệu Jun/m2 là hoàn toàn lý tưởng. Như vậy có thể dùng năng lượng mặt trời để nung nóng đá vôi. Hoặc cũng có thể sử dụng khí mê tan bởi vì theo tính toán thì việc nung vôi sẽ thải ra ít khí CO2 hơn khả năng vôi hấp thụ khí này dưới biển.

Theo Klaus Lackner, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Columbia, ý tưởng này khả thi nếu biết thực hiện đúng cách, lượng khí CO2 thải ra không quá nhiều và giá cả hợp lý. Chẳng hạn, chi phí giảm khí CO2 theo cách này rẻ hơn so với giải pháp xử lý khí CO2 do sản xuất công nghiệp thải ra. Nếu đầu tư thêm năng lượng, thì khí CO2 còn có thể dùng trong sản xuất hydro cacbua.