Dự án "đè" dự án (Kỳ cuối)

ThienNhien.Net – Dự án nuôi tôm trên cát và dự án khai thác titan là minh chứng cho sự tàn phá, gây ô nhiễm môi trường nặng nề ở Thạch Hà (Hà Tĩnh). Sau khi dự án “ra đi”, những người dân địa phương gắn bó với cát hết đời này sang đời khác lại tiếp tục hứng chịu hậu quả. Thêm dự án đặt bãi rác giữa cụm công nghiệp, không hiểu người dân nơi đây phải xoay sở ra sao? Đó là chuyện ngược đời, ngay cả các nhà khoa học cũng phản đối việc xây dựng này. Tại sao một dự án đầy nghịch lý đó vẫn được triển khai?

Kỳ 1: Siêu dự án và những túp lều nát trên cát

Kỳ 2: Người dân xứ cát trong “cơn lốc” titan

Kỳ 3: Tường trình từ những đời cát

Kỳ 4: Dự án “chết” từ ý tưởng

Đẩy rác xa thành phố, đẩy về vùng bờ biển!

Thành phố Hà Tĩnh hiện có 16 xã, phường, dân số 117.546 người, do đó lượng rác thải sinh hoạt khá lớn. Một bộ phận người dân còn đổ rác ra đường, xuống ao hồ, kênh mương, khu đất trống…, tạo thành một số bãi rác nhỏ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi Công ty Quản lý công trình đô thị Hà Tĩnh thu gom rác chưa triệt để, kỹ thuật xử lý còn hạn chế, nên chỉ thu gom, xử lý được khoảng 80-90% khối lượng rác thải hàng ngày. Rác thải của thành phố được xử lý tại bãi rác Thạch Yên (phường Văn Yên) được xây dựng từ năm 2002 với diện tích 1,5 ha và hiện nay đang được nghiên cứu để tiếp tục mở rộng.

Bãi rác được chia thành 4 ô để chôn lấp theo kiểu cuốn chiếu. Hố chôn lấp được thiết kế chống thấm đáy bằng cách đầm nén chặt. Chất thải rắn được chôn lấp tự nhiên, sau khi đổ lớp rác dày khoảng 0,6-0,8 m và bổ sung chế phẩm sinh học EM được đầm nén chặt và phủ lớp đất dày 15-20 cm, đồng thời tiến hành phun thuốc diệt côn trùng nên đã hạn chế được mùi hôi thối và côn trùng phát triển.

Tuy nhiên, các giải pháp chưa triệt để, không xử lý nước rác, khả năng chống thấm của hố chôn còn thấp nên vẫn gây ra ô nhiễm môi trường. Với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội và tăng dân số của TP. Hà Tĩnh như hiện nay thì sức chứa của bãi rác trên đã quá tải.

Tháng 05/2008, nhiều người dân ở Văn Phúc, phường Thạch Yên, TP Hà Tĩnh đã chặn đường 24/24 giờ ngăn cản không cho xe chở rác của Công ty Quản lý công trình đô thị Hà Tĩnh vào đổ rác tại bãi xử lý rác của thành phố. Việc này đã khiến hàng trăm tấn rác thải ứ đọng trong một thời gian, làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Đây là lần thứ hai người dân ở đây chặn xe không cho đổ rác vào nơi quy định. Vào tháng 10/2007, người dân đã chặn xe 2 ngày khiến rác ứ đọng khắp nơi. Lãnh đạo thành phố đã về họp dân thương lượng, hứa khắc phục hậu quả nên “lệnh cấm vận” đã được dỡ bỏ.

Nửa năm trôi qua, tình hình ô nhiễm môi trường vẫn không được khắc phục, ruồi nhặng từ bãi rác vẫn sinh sôi nảy nở lan tràn bay vào nhà dân, khiến họ lại kéo nhau ra đường chặn xe. Lý do mà người dân đưa ra là bãi rác đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sức khỏe của họ.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh – Trần Thế Dũng cho biết: Bức xúc trước tình hình quá tải và ô nhiễm môi trường ở bãi rác trong thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã đề xuất với UBND tỉnh có phương án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại địa điểm mới để xử lý lượng rác hằng ngày bảo đảm công suất và điều kiện môi trường.

Tỉnh đã khảo sát, lập quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng nhà máy xử lý rác tại khu đất phía trên trục đường 19-5, tuyến đường ven biển thuộc địa bàn hai xã Thạch Văn và Thạch Hội, nằm trong vùng quy hoạch Khu dịch vụ Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp huyện Thạch Hà. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã công bố quy hoạch khu dịch vụ này và triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác.

Nhà máy được xây dựng theo công nghệ của Pháp, công suất 150 tấn/ngày, xây dựng trên mặt bằng 20,6 ha với tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng. Vì dự án có liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, lại bố trí ven biển…, do đó các yếu tố tác động như công nghệ xử lý rác, chống thấm, khử mùi, vấn đề sức khỏe cho cộng đồng, khả năng chống ngập úng… là những vấn đề được các nhà chuyên môn tính toán kỹ.

 samachoa
Nguy cơ sa mạc hoá là rất lớn cho vùng cát sau thất bại của các dự án liên tiếp vừa qua.

Cảnh báo các nguy cơ từ nhà máy xử lý rác

Nhà máy xử lý rác mà ông Trần Thế Dũng nhắc đến là nhà máy được thành lập theo Quyết định số 1224/QĐ-UBND ngày 07/05/2008 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 08/05/2008, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép UBND tỉnh Hà Tĩnh vay vốn của Chính phủ Vương quốc Bỉ để xây dựng một nhà máy chế biến rác với công suất 120 tấn/ ngày.

Nhà máy dự kiến được xây dựng trên diện tích 26,7 ha thuộc Cụm công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp Thạch Văn, Thạch Hội (huyện Thạch Hà) nhằm xử lý chất thải rắn cho thành phố Hà Tĩnh và các huyện lân cận gồm Cẩm Xuyên, Lộc Hà và Thạch Hà bằng công nghệ hỗn hợp nhằm tạo ra các sản phẩm có ích như: Phân vi sinh, vật liệu xây dựng, hạt nhựa tái sinh…

Có điều, thực tế không giống như điều ông Trần Thế Dũng nói. Theo báo cáo dự án “Quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn cho các đô thị của tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2015 và định hướng đến 2020” mà chủ đầu tư là Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, đơn vị tư vấn thực hiện là Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường – Bộ Tư lệnh hóa học thì “việc rác thải chưa được phân loại tại nguồn, hiệu quả của nhà máy xử lý rác trong giai đoạn trước mắt không thể như mong muốn và khối lượng chất thải rắn cần phải chôn lấp sẽ vẫn rất lớn.

Trong khi đó, không thể sử dụng diện tích đất nói trên để chôn lấp chất thải rắn vì đây là khu vực được quy hoạch để phát triển công nghiệp, hơn nữa, với nền đất cát ven biển, việc xử lý hố chôn lấp đòi hỏi chi phí cao và có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước ngầm”.

Trong bản báo cáo đó cũng nói rõ: “Theo báo cáo điều tra địa chất đô thị – vùng đô thị Hà Tĩnh do Liên đoàn Địa chất thủy văn – địa chất công trình miền Bắc thuộc Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kết hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Công nghiệp thực hiện năm 1997, các khu vực đất cát ven biển nằm phía Đông của huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, thị xã Hồng Lĩnh, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, Kỳ Anh, Nghi Xuân, Lộc Hà cùng với các bãi triều ngập mặn, vùng ngập nước được khuyến cáo nghiêm cấm đổ các chất thải rắn và lỏng.

 cayxanh
Hy vọng những hàng cây xanh nơi xứ cát không đơn thuần có ý nghĩa về mặt khoa học.

Đất cát ven biển có độ thấm cao, do đó, các tác nhân ô nhiễm phát sinh trong quá trình chôn lấp chất thải rắn dễ dàng thẩm thấu qua các lớp cát và xâm nhập vào các tầng chứa nước dưới đất đồng thời lan toả trên diện rộng. Trong khi đó, nguồn nước cấp nước sinh hoạt chủ yếu trong khu vực này là nước ngầm ở tầng nông với trữ lượng rất thấp”.

Không hiểu UBND tỉnh Hà Tĩnh quy hoạch thế nào mà bãi rác lại có thể “tọa lạc” ở vị trí vùng cát ven bờ biển trái với khoa học đến thế? Đây là dự án thứ 3 ở Hà Tĩnh cũng được cảnh báo sẽ “phá sản” và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, tất cả những thắc mắc và bất cập từ các dự án này đều chưa có một lời giải thích đáng!