Nước giếng ở Lâm Đồng bị nhiễm thạch tín

Tại Lâm Đồng, nước giếng ở nhiều huyện trong tỉnh có hàm lượng thạch tín (arsenic) vượt tiêu chuẩn cho phép. Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu phổ biến cho nhân dân được biết.

Lượng thạch tín vượt mức cho phép

Trạm quan trắc và giám sát môi trường, thuộc Sở TN-MT Lâm Đồng vừa có 2 đợt điều tra, khảo sát, lấy mẫu phân tích đánh giá hiện trạng nhiễm arsenic (As) trong nguồn nước tại các huyện trong tỉnh. Kết quả cho thấy có dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước ngầm với hàm lượng As cao hơn mức cho phép. Đợt 1 được thực hiện nhằm đánh giá sơ bộ hiện trạng ô nhiễm As trên địa bàn tỉnh và đã điều tra, khảo sát lấy mẫu phân tích ở 70 xã của cả 12 huyện, thị xã, thành phố (10 mẫu/xã). Trong 700 mẫu nước thô tương ứng với 700 vị trí giếng và mạch lộ (152 giếng khoan, 542 giếng đào và 6 mạch lộ) thì có đến 31 giếng có hàm lượng As e” 0,05 mg/l (20 giếng khoan, 11 giếng đào). Đợt 2, những địa phương có hàm lượng As e” 0,05 mg/l nhiều hơn 1 mẫu nước trở lên sẽ được điều tra chi tiết (lấy mẫu phân tích 50 mẫu/xã). Theo đó, trong 70 xã đã điều tra ở đợt 1 thì có 19 xã phải tiến hành điều tra ở đợt 2.

Kết quả phân tích cho thấy có đến 58 mẫu có hàm lượng As e” 0,05mg/l (44 giếng khoan và 14 giếng đào). Dẫn đầu là huyện Đạ Tẻh với 3 xã Triệu Hải (7 mẫu), An Nhơn (21 mẫu), Hương Lâm (9 mẫu); kế đến là huyện Đơn Dương có 3 địa phương là Đ’Ran (4 mẫu), Quảng Lập (4 mẫu), Thạnh Mỹ (2 mẫu), Lạc Xuân (1 mẫu); lần lượt đến Đạ Huoai thì có Mađaguôi (3 mẫu); Đức Trọng có Ninh Gia (4 mẫu) và Đam Rông có ĐạRsal (3 mẫu). Theo tiêu chuẩn vệ sinh nước sử dụng cho ăn uống trực tiếp ban hành tại Quyết định số 1329/2002/BYT-QĐ ngày 18/04/2002 hàm lượng As d” 0,01 mg/l và tiêu chuẩn chất lượng nước ngầm TCVN 5944 – 1995 hàm lượng As d” 0,05 mg/l thì có nhiều giếng được khảo sát, phân tích vượt tiêu chuẩn cho phép.

Xử lý nước sinh hoạt như thế nào?

Qua kết quả khảo sát nêu trên cho thấy, hàm lượng As trong nguồn nước ngầm tầng sâu (giếng khoan) cao hơn so với nước ngầm tầng nông (giếng đào). UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản giao Sở TN-MT công bố cho chính quyền và nhân dân ở các vùng bị nhiễm As vượt mức cho phép được biết.

Theo Sở TN-MT Lâm Đồng thì tại các nơi được khảo sát, hầu hết người dân đều sử dụng trực tiếp nguồn nước ngầm phục vụ cho mục đích ăn uống, sinh hoạt. Đơn lẻ có vài hộ dân xử lý đơn giản bằng cách lắng, lọc nhưng việc xử lý đối với As hầu như không hiệu quả, bởi thông qua các mẫu khảo sát sau lọc và trước lọc thì hàm lượng As gần như tương đương nhau.
Sở TN-MT đề xuất và khuyến cáo người dân hạn chế không sử dụng trực tiếp nguồn nước giếng khoan để ăn uống; thực hiện xử lý As đơn giản theo mô hình: Xây dựng bể lọc có thể tích 80 x 80 x 100 cm; trong đó có 1 lớp cát vàng hạt thô dày 50 cm, phía dưới là lớp cuội dày 10 cm để lọc, đồng thời phía trên có giàn phun mưa đơn giản bằng ống nhựa PVC. Bể lọc này có khả năng loại trừ được 90% As trong nước.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao cho các huyện lập kế hoạch xây dựng, mở rộng hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt đến các vùng có nguy cơ ô nhiễm As vượt mức quy định, tăng cường xã hội hóa đầu tư cấp nước sạch sinh hoạt nhằm thay thế việc sử dụng nước từ giếng khoan trong nhân dân hiện nay.