Oscar Năng lượng Xanh 2008

Ashden Awards là giải thưởng về năng lượng bền vững do Quỹ Ashden của Anh sáng lập năm 2001, được mệnh danh là giải “Oscar Năng lượng xanh”. Giải được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh những dự án sáng tạo nổi bật về năng lượng tái sinh và nâng cao hiệu suất năng lượng, qua đó góp phần hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu và cải thiện chất lượng cuộc sống ở Anh và các nước đang phát triển. Năm nay, có 7 dự án được tặng danh hiệu “Vô địch năng lượng” trị giá 80.000 USD.

Lò tiết kiệm củi dành cho hộ kinh doanh nhỏ ở miền Nam Ấn Độ

Nhiều hộ kinh doanh nhỏ ở Ấn Độ sử dụng củi và rác thải nông, lâm nghiệp làm nguồn năng lượng chủ chốt. Công ty Technology Informatics Design Endeavour (TIDE) chế tạo loại lò đốt củi tiết kiệm năng lượng dùng cho nhiều ngành nghề khác nhau như chế biến thực phẩm, phẩm nhuộm, sản xuất vải sợi, dược phẩm. Đến nay, TIDE đã tiêu thụ trên 10.500 chiếc lò, góp phần tiết kiệm 43.000 tấn củi mỗi năm, đồng thời mang lại môi trường sạch và mát hơn cho người sử dụng và giúp tiết kiệm đáng kể thời gian. Hiện TIDE đang chế tạo nhiều loại lò với qui mô lớn và đang đẩy mạnh mạng lưới phân phối sản phẩm.
Dự án đưa năng lượng Mặt trời về nông thôn Trung Quốc

Dự án phát triển năng lượng tái sinh (REDP) đã thúc thẩy việc sử dụng hệ thống quang điện Mặt trời gia dụng ở những làng quê phía Tây Trung Quốc chưa có lưới điện quốc gia. Thành công này đạt được thông qua việc hỗ trợ cải thiện chất lượng của các tấm pin quang điện, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và trợ giá cho các công ty lắp ráp ở địa phương. Từ năm 2001 đến nay, REDP đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 400 triệu hệ thống pin quang điện, góp phần cải thiện cuộc sống thông qua nâng cao chất lượng thắp sáng, liên lạc – truyền thông và giải trí. Hiện nay, dù không còn chính sách trợ giá nhưng doanh số vẫn tiếp tục tăng, bởi những lợi ích của pin quang điện đã được biết đến rộng rãi, và giá thành hợp túi tiền người dân.

 
Lãnh đạo AG đến thăm một gia đình vừa lắp pin quang điện.

Ngân hàng hỗ trợ khách hàng sắm pin năng lượng Mặt trời

Ngân hàng Aryavart Gramin (AG) ở bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) sử dụng hệ thống quang điện để dự phòng trường hợp cúp điện ở một số chi nhánh. Nhận ra tiềm năng của điện Mặt trời đối với những khách hàng chưa có điện sinh hoạt, AG ký thỏa thuận với một công ty chuyên cung cấp và lắp đặt pin quang điện, và cho khách hàng có “lý lịch tín dụng” tốt vay tiền để trang bị hệ thống điện Mặt trời gia dụng (SHS). Đến nay, có đến 10.100 khoản vay được duyệt và 8.000 SHS được lắp đặt. AG đặt mục tiêu tài trợ cho 25.000 SHS trong năm nay và đang nhân rộng mô hình cho vay mua SHS đến các ngân hàng nông thôn khác.

Hợp tác xã dùng thủy điện mi-ni để tăng nguồn điện cho địa phương

CRERAL là hợp tác xã cung ứng điện sinh hoạt thông qua mạng lưới điện quốc gia cho 6.300 khách hàng nông thôn ở miền Nam Brazil. Để bảo đảm nguồn điện xuyên suốt cho người dân vùng Alto Uruguai, hợp tác xã đã xây dựng và vận hành 2 nhà máy thủy điện mi-ni (công suất 0,72 và 1 MW) mỗi năm sản xuất 5,5 GW giờ điện, đáp ứng 25% nhu cầu tiêu thụ điện của khu vực. Các nhà máy nằm cạnh bờ sông không cần các hồ thủy điện lớn nên giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

 
Lò sấy trái cây bằng năng lượng mặt trời.

Lò sấy Mặt trời dành cho nhà vườn Uganda

Công ty Fruits of the Nile (FotN) là cầu nối giữa nông dân ở Uganda với các thị trường xuất khẩu thông qua việc sản xuất và xuất khẩu sản phẩm trái cây sấy khô bằng điện Mặt trời. Hằng năm, FotN xuất khoảng 120 tấn chuối và khóm sấy chất lượng cao. Trái cây tươi được chế biến bằng lò sấy bằng năng lượng Mặt trời tại 120 nhóm sản xuất ở nông thôn – nhóm này phụ trách thu mua trái cây từ hơn 800 nhà vườn và thuê khoảng 500 lao động. Hàng của FotN được sản xuất theo tiêu chuẩn của Tổ chức quốc tế về thương mại công bằng (FairTrade). Hiện FotN đang chuyển đổi toàn bộ dây chuyền sản xuất theo hướng “sạch”.

 
Dân tị nạn Ethiopia nấu bằng lò sử dụng ethanol.

Lò ethanol an toàn và sạch cho gia đình tị nạn ở Ethiopia

Dân tị nạn ở Ethiopia nấu nướng bằng củi nhặt được quanh nơi ở hoặc vào rừng đốn củi. Trước tình trạng này, Hiệp hội Gaia đã cung cấp bếp ga nấu bằng ethanol cho gần 1.800 hộ gia đình tị nạn, giúp họ nấu ăn chủ động và hợp vệ sinh hơn đồng thời hạn chế việc dùng củi. Ethanol được điều chế từ mật mía – phế phẩm trong quá trình sản xuất đường sẵn có ở địa phương. Hiện tại, loại lò này đang được cấp phát cho nhiều trại tị nạn khác ở Ethiopia, và cho các khu dân cư mới mở ở Thủ đô Addis Ababa.

Thợ rèn làm lò tiết kiệm củi ở Tanzania

Để hỗ trợ chương trình đào tạo thợ rèn và tái trồng rừng ở vùng Njombe (Tanzania), tổ chức thợ rèn Kisangani đã chế tạo 2 loại lò sử dụng phế phẩm nông, lâm nghiệp. Một sử dụng mạt cưa hoặc phế phẩm nông nghiệp vốn dư thừa ở địa phương, thay cho than củi. Cái còn lại là loại bếp củi cải tiến dành cho các vùng nông thôn. Đến nay, Kisangani và các học viên đã tiêu thụ được 3.500 chiếc lò như thế.