Ám ảnh nhà vệ sinh bệnh viện: Nghịch lý (Kỳ 2)

Trong khi ngành y tế thường xuyên khuyến cáo người dân phải rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh… thậm chí còn phải rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, thì tình cờ trong khi tìm hiểu những khu NVS trong các BV, chúng tôi đã khá bất ngờ khi nghe được đoạn đối thoại giữa một cháu bé hỏi mẹ mình: “Mẹ ơi con có cần rửa tay bằng xà phòng không?…”, trong khi nhìn quanh chẳng bói đâu ra xà phòng. Đây không phải là nghịch lý duy nhất đang diễn ra tại các khu NVS trong BV…

Nơi tuyên truyền giữ vệ sinh lại là nơi… mất vệ sinh

Theo ông Nguyễn Tôn Đạo – Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ Bệnh viện Bạch Mai, hầu hết tâm lý người dân đều mong muốn khám chữa bệnh tại các BV hàng đầu. Như vậy, quá tải sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát tình trạng vệ sinh trong BV mà đặc biệt là các khu NVS.

Vì thế, bên cạnh việc tăng cường các biện pháp khác thì cần phải đào tạo các bác sỹ ở tuyến cơ sở nhằm giảm tải cho các BV lớn. Song đó là vấn đề lớn, mà đã là vấn đề lớn thì không phải ngày một, ngày hai có thể giải quyết triệt để được. Trong khi, những vấn đề nhỏ thì lại chẳng mấy ai quan tâm, đơn cử như chuyện xà phòng rửa tay trong khu NVS tại hầu hết các BV.
Những NVS có dung dịch rửa tay hay xà phòng ở một số BV lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Thanh Nhàn,… chỉ đếm trên đầu ngón tay, hoặc nếu có cũng chỉ tập trung ở một số NVS trong khu nhà mới. Còn hầu như khu NVS trong những khối nhà cũ dọn vệ sinh sạch sẽ được đã là chuyện khó, lấy đâu ra xà phòng rửa tay.

Nhiều khu NVS như BV Phụ sản, BV Xanh Pôn, BV Nội tiết, BV Nông nghiệp đến nước rửa tay, nước dội NVS còn không có huống chi những thứ “xa xỉ” như xà phòng. Điều này rất nguy hiểm về vệ sinh phòng dịch bởi chính các nhà vệ sinh chung lại là nơi phát sinh các vi khuẩn gây bệnh.

Riêng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu của BV Bạch Mai một ngày trung bình có tới 1.500 lượt người tới khám bệnh, BV Thanh Nhàn riêng khối khám bệnh trung bình khoảng 1.500 bệnh nhân (chưa kể người nhà đi theo).

Với tần suất sử dụng cao thì nhiều NVS đang phải gồng mình vì quá tải. Nhiều BV đã thuê công ty làm vệ sinh cùng phối hợp với nhân viên vệ sinh trong BV nhưng cũng không làm xuể.

Chị Nguyễn Thị Ngân, nhân viên dọn vệ sinh của Công ty ITC than phiền: “Ngày nào tôi cũng phải làm việc không ngơi nghỉ vậy mà chẳng hiểu người đâu ra mà lắm thế. Nhiều hôm, nhìn những đống “phế phẩm” mà người ta để lại sau khi ra khỏi NVS về đến nhà tôi vẫn còn bị ám ảnh. Mang tiếng là BV thật nhưng ai dám chắc bệnh không phát sinh từ đây ra”.

Thừa mà thiếu…!

Tại nhiều BV như BV Bạch Mai, Việt Đức, Thanh Nhàn, đều có những khu NVS rất sạch sẽ. Tuy nhiên những nơi đó chỉ được dành cho cán bộ, nhân viên của BV. Những khu NVS này lúc nào cũng đóng cửa im ỉm ra khóa, vào mở và tuyệt nhiên bệnh nhân điều trị, bệnh nhân khám bệnh và người nhà bệnh nhân không được phép sử dụng ngay cả khi những khu NVS dành cho bệnh nhân trở nên quá tải.

Lý giải cho sự bất hợp lý trên, BS Nguyễn Văn Thư – Trưởng phòng Hành chính Quản trị – BV Việt Đức khẳng định : “Chỉ khu nhà 11 tầng mới thiết kế khu NVS cho BN riêng và cán bộ, nhân viên trong BV riêng chứ những khu nhà cũ nhân viên BV và bệnh nhân cũng vẫn phải đi chung nếu không với tần suất sử dụng như hiện nay sẽ không đủ chỗ”.

Tuy vậy, phần lớn một số các BV như: Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Phụ sản,… nhiều khu NVS cho cán bộ, nhân viên tại các khoa, phòng để không, trong khi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân lại không có chỗ để sử dụng. Phải chăng đây chính là sự bất hợp lý mà các BV nên điều chỉnh để không để xảy ra tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu như hiện nay.

Để giảm thiểu tình trạng quá tải, nhiều BV đã phải cho đặt một số NVS lưu động ngay gần cổng vào BV điển hình là BV Thanh Nhàn, Việt Đức, Xanh Pôn, Bạch Mai. Tuy nhiên, những khu NVS này thường đặt xa phòng khám chữa bệnh nên trở thành NVS phục vụ dân sinh mỗi khi ai đó đi qua có nhu cầu cần giải quyết.

BS Đặng Văn Chính – Giám đốc BV Thanh Nhàn cho biết: “Mỗi tháng BV phải bỏ 3 triệu đồng thuê Công ty Vệ sinh môi trường lắp đặt NVS lưu động để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân đến BV, nhưng xem ra không mấy tác dụng. Hàng năm BV vẫn phải bù lỗ cho vấn đề vệ sinh lên tới hơn 100 triệu đồng nhưng đây quả là một vấn đề nan giải. Nhiều NVS lưu động thu tiền dịch vụ 500-1.000 đồng/lượt để lấy thu bù chi, nhưng với một số tiền nhỏ như vậy cũng chưa đủ trả cho nhân viên vệ sinh quét dọn”.

Trường hợp của anh Trần Quang Mạnh (quận Đống Đa, Hà Nội) đến khám tại BV Xanh Pôn mới thật bi hài. Bác sỹ yêu cầu anh Mạnh lấy nước tiểu để xét nghiệm, tìm mãi mới thấy NVS thì lại gặp phải “khó khăn” khác. Do không có tiền lẻ nên khi vào NVS dịch vụ anh bị chị nhân viên thu tiền “mời” ra ngoài với lý do không có tiền lẻ trả lại.

Chạy khắp nơi đổi tiền không được may có một bác thấy tình cảnh “trớ trêu” nên đã trả hộ anh tiền (1.000 đồng). Sau khi lấy mẫu nước tiểu đưa đi xét nghiệm anh Mạnh vẫn không giấu nổi bức xúc than phiền với chúng tôi.