8 tội danh môi trường "lọt lưới" pháp luật

Qua hơn 9 năm thi hành Bộ luật Hình sự với 15 tội danh về tội phạm môi trường trong 10 điều luật về tội phạm môi trường, mới xử được hai tội danh là hủy hoại rừng và tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Thông tin này được công bố tại Hội thảo khoa học "phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường – trách nhiệm của chúng ta" do Bộ Công an tổ chức sáng 26/06.

4 năm, “nhập khẩu” hơn 36.000 tấn rác thải công nghiệp độc hại

Trung tướng Trần Đại Quang, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định: Tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đang có diễn biến phức tạp, nhất là trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác tài nguyên, khu công nghiệp, khu đô thị. Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, phần lớn các khu công nghiệp (KCN) đều xả nước trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý (chiếm tới 70%). Thậm chí, một số nhà máy còn khoan và xả nước vào lòng đất gây ô nhiêm, hủy hoại tài nguyên nước và đất.

Năm 2003, Bộ này đã trình lên Chính phủ danh mục hơn 4.000 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý triệt để trong giai đoạn từ đó đến 2012, tuy nhiên, đến nay mới chỉ có một số ít cơ sở chấp hành và có biện pháp khắc phục. Hậu quả ô nhiễm cũ chưa kịp giải quyết thì lại có thêm những ô nhiễm mới phát sinh từ 100 khu công nghiệp, khu chế xuất và hàng trăm cụm công nghiệp rải ở nhiều địa phương mới thành lập. Hầu hết tại các điểm nói trên đều chưa có hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, còn có hơn 1.400 làng nghề trên cả nước hầu hết cũng đều không có hệ thống xử lý rác thải.

Đáng lo ngại hơn cả là trong những năm gần đây, có hơn 3.500 container chứa ắc quy chì axit đã qua sử dụng được nhập qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam dưới dạng tạm nhập tái xuất. Chỉ tính riêng từ năm 2003 đến 02/2006, đã có hơn 2000 container có trọng lượng hơn 36.000 tấn nhập khẩu vào các cảng biển, cửa khẩu. Đó là còn chưa kể hàng ngành tấn phế thải nguy hại trá hình dưới hình thức phế liệu để tái chế như nhựa, sắt thiết bị công nghệ cũ lạc hậu.

Số liệu Vụ điều trị – Bộ Y tế cung cấp cho thấy, tình trạng ngộ độc thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật đang ngày một gia tăng. Chỉ riêng hai năm gần đây, đã có hơn 6.000 trường hợp bị ngộ độc do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV), hóa chất diệt cỏ, ngộ độc thuốc diệt chuột, do dùng các loại dược phẩm, ngộ độc thực phẩm. Trung tướng Trần Đại Quang cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang gia tăng đến mức báo động như vậy nhưng Việt Nam lại đang thiếu các biện pháp bảo vệ môi trường.

Sửa luật, tăng mức phạt để ngừa tội phạm

Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho rằng, số vụ việc được đưa ra khởi tố, xét xử về tội phạm môi trường là không đáng kể (hơn 1.000 vụ với 1.630 bị can) so với các tội khác. Qua hơn 9 năm thi hành Bộ luật Hình sự với 15 tội danh trong 10 điều luật thuộc chương XVII về tội phạm môi trường, đến nay, cũng mới chỉ có 2 tội danh bị truy tố là tội hủy hoại rừng (điều 189) và tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm (điều 190).

Các tội danh còn lại của 10 điều luật về tội phạm môi trường muốn truy tố phải có điều kiện trước đó là “đã bị xử phạt hành
chính mà vẫn còn vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng (từ điều 182 đến 191)” thì chưa đưa ra truy tố được vụ nào. Thậm chí, ông Ngọ cho rằng, có trường hợp đã phát hiện và bắt giữ các đối tượng và tang vật vi phạm nhưng rất khó xử lý vì chế định luật chưa đầy đủ, còn vướng mắc.

Đồng quan điểm, Thạc sỹ Nguyễn Mạnh Hiền, Viện KSNDTC cho rằng, tuy chỉ có 10 điều luật về tội phạm môi trường nhưng lại có rất nhiều cơ quan cùng chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực này như Bộ Công nghiệp, Bộ TN&MT, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan, UBND các cấp. Trong khi đó, nhiều điều luật chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện của liên ngành trung ương.

Do vậy, khi có hành vi vi phạm xảy ra, cơ quan tố tụng cũng không có căn cứ định lượng cụ thể đánh giá nên không thể khởi tố; hay vướng ở cơ quan nào có thẩm quyền xác định. Đây chính là khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Để khắc phục, Thứ trưởng Quang cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, đề xuất Quốc hội sửa đổi các quy định trong điều luật thuộc chương XVII theo hướng quy định tội phạm cấu thành hình thức. Bên cạnh đó, cần nâng cao mức áp dụng hình phạt tiền trong toàn bộ các tội phạm về môi trường để đủ sức răn đe, ngăn ngừa hành vi tái phạm.