Công nghệ tưới tiết kiệm nước: Nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng

Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán như hiện nay đã được các nhà khoa học xác định là do tỉ lệ thất thoát nước cao trong quá trình tưới. Công nghệ tưới tiết kiệm nước (TTKN) lần đầu tiên trên thế giới được sử dụng trong nhà kính ở nước Anh từ cuối năm 1940. Ở Việt Nam, công nghệ TTKN đang còn ở mức thấp, đơn giản, hiệu quả chưa cao. Trước thực trạng đó, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã xây dựng và hoàn thiện thành công chuyển giao công nghệ kỹ thuật TTKN tại một số địa phương.

Đây cũng là nội dung nghiên cứu khoa học của Đề tài cấp nhà nước KHCN.08.09 – “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ tưới hiện đại tiết kiệm nước cho các vùng khan hiếm nước” đã được đánh giá đạt hiệu quả cao trong nghiên cứu, chế tạo cũng như đưa sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

Với nhiệm vụ chính là nghiên cứu chế tạo một số thiết bị tưới thay thế hàng ngoại nhập, đề tài đã nghiên cứu chế tạo thành công 9 thiết bị tưới. Đây là những thiết bị tưới tiết kiệm nước đầu tiên được sản xuất trong nước để từ đó Việt Nam có thể chủ động sản xuất cung ứng cho yêu cầu của công nghệ TTKN với giá thành rẻ hơn nhiều so với thiết bị ngoại nhập cùng tính năng và chủng loại.

Đề tài đã xây dựng hoàn thiện các sơ đồ hợp lý của kỹ thuật TTKN trên các diện tích từ 1000m2 đến hàng chục ngàn mét vuông. Mỗi loại sơ đồ mẫu đều có giới thiệu phương pháp bố trí các loại đường ống, thiết bị tưới với bảng tổng hợp vật tư và giá thành để người nông dân tiện lựa chọn theo nhu cầu cũng như khả năng tài chính của mình.

Thông qua các mô hình thực nghiệm TTKN, đề tài cũng thực hiện thành công nội dung khảo sát, nghiên cứu động thái ẩm của đất theo các phương pháp tưới khác nhau trên các loại đất, địa hình và với các loại cây trồng khác nhau. Kết quả thu được là cơ sở để khẳng định tính ưu việt nổi bật của kỹ thuật TTKN.

Bằng nhiều khảo nghiệm trên các loại đất khác nhau như đất thịt nặng, thịt nhẹ, cát, cát pha; các loại địa hình như bằng phẳng, gồ ghề, dốc một chiều, nhiều chiều cũng như với nhiều loại cây trồng cho thấy TTKN phù hợp với tất cả các loại cây trồng cạn, các loại đất và các dạng địa hình khác nhau. Kỹ thuật tưới này luôn giữ cho đất một khoảng độ ẩm tối ưu phù hợp với loại cây trồng bởi một qui trình tưới vận hành nhẹ nhàng, đơn giản.

Đây là điều mà các phương pháp tưới cổ truyền trước đây không thể thực hiện được. Đặc biệt đề tài đã xây dựng thành công mô hình tưới nhỏ giọt tự động, chỉ với một bồn chứa nước nhỏ đặt cao hơn mặt đất 3-4m có gắn phao tự động với một máy bơm điện nhỏ. Hệ thống tưới này có thể hoạt động liên tục suốt ngày đêm trong một đợt tưới, được nông dân đánh giá là rất tiện lợi và kinh tế.

Ưu điểm cơ bản nhất của công nghệ TTKN làm giảm nhỏ lượng nước tưới (tiết kiệm từ 50 – 70% lượng nước tưới theo phương pháp cũ), tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời giảm công lao động, thuận lợi cho cơ giới hóa và tự động hóa. Đây cũng là giải pháp giúp kiểm soát tổng lượng nước dùng, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nước, cải tiến được chính sách thủy lợi phí.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đã áp dụng thành công công nghệ TTKN cho các cây công nghiệp (chè, cà phê) tại Di Linh, Bảo Lộc (Lâm Đồng), rau quả xuất khẩu tại Đà Lạt, nho vùng Ninh Thuận, điều, tiêu ở Quảng Trị,…Tuy nhiên, việc đầu tư cho ứng dụng công nghệ này còn tương đối cao, nên đây thực sự còn là điều khó khăn cho nông dân. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên cho người nông dân vay vốn ưu đãi để đầu tư công nghệ TTKN vào sản xuất.