Bình Định: Nước giếng… có màu

Hơn 10 năm nay, gần 950 hộ dân ở xã Nhơn Hoà – huyện An Nhơn (Bình Định) phải dùng nước sinh hoạt lấy từ giếng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân đã nhiều lần yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc, nhưng lời thỉnh cầu của họ bị bỏ qua.

Đỏ và đen

Ông Hà Ngọc Xuân, thôn Tân Hoà bức xúc: “Dưới lòng đất dọc tuyến quốc lộ 19 trước năm 1975 có đường ống dẫn dầu. Trải qua năm tháng, đường ống bị mục, vỡ, dầu thấm vào lòng đất gây ô nhiễm mạch nước ngầm. Sự việc chưa được giải quyết thì cách đây hơn 10 năm, UBND huyện An Nhơn quy hoạch một bãi rác chỉ cách khu dân cư chúng tôi chừng 200m. Rác từ khắp nơi được tập kết về, nghiêm trọng nhất là rác thải của nhiều bệnh viện. Không khí cả vùng ngập ngụa mùi tanh, hôi thối. Mùa nắng, ruồi bâu vào bãi rác “kiếm ăn”, đến mùa mưa, chúng đồng loạt “tấn công” vào nhà dân. Bữa ăn, bà con phải dọn vào trong mùng mới có thể tránh được ruồi. Chúng tôi kêu cứu lên nhiều cấp thì được đơn vị quản lý bãi rác xử lý phun thuốc diệt ruồi, nhưng cũng chỉ vài ngày rồi đâu lại vào đó. Giờ thì các giếng nước trong vùng đều có mùi hôi tanh”.

Ông Phạm Xuân Đào – Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hoà – cho biết: “Đây là bãi rác “4 không”: Khoảng cách đến khu dân cư không bảo đảm, diện tích không đúng quy định (chỉ rộng 1ha), xây dựng không đúng tiêu chuẩn và quy trình xử lý không đến nơi đến chốn”.

Ngoài ra, quanh thôn này đang có 9 doanh nghiệp chế biến lâm sản hoạt động. Nước luộc gỗ mang hoá chất được thải thoải mái, nhiều năm nay đã ngấm sâu xuống tầng nước ngầm làm nước trong các giếng nước của dân “đổi màu” từ trong sang “đen ngòm”. Còn dân của 2 xóm Trung Đạo và Trung Thành thì bị nước thải của Công ty Đá Granit Hoàn Cầu gây hại.

Ông Phạm Xuân Đào cho biết thêm: “Hoạt động cưa đá của Công ty này không có hệ thống xử lý nên toàn bộ lượng nước thải đều đổ xuống sông Bầu Nâu lấp cả một vực sâu 3m. Nước sông Bầu Nâu lại thẩm lậu vào các giếng nước uống nên người dân ở đây đang rất hoang mang về sức khoẻ của mình”.

Tại đội 1, thôn Trung Ái, chị Nguyễn Thị Lệ (34 tuổi) cho biết: “Nước trong các giếng ở đây có màu đỏ ngầu, để qua đêm đến sáng nước nổi màng như đổ dầu hoả vào, áo trắng học sinh chỉ giặt 3 lần là phải vứt bỏ vì đã… mất màu”.

Nhiều loại bệnh phát sinh

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, mà còn làm suy giảm trầm trọng sức khoẻ người già và trẻ em, gây ra nhiều bệnh tật hiểm nghèo.

Anh Huỳnh Văn Thành – Trưởng trạm Y tế Nhơn Hoà – cho biết: “Trên địa bàn xã, bệnh tiêu chảy liên tục xảy ra, bệnh đau mắt đỏ cũng thường xuyên tấn công người dân ở đây.

Bệnh viêm phế quản ở trẻ em cũng ngày càng tăng. Đáng lo hơn là trong thời gian gần đây, tỉ lệ bệnh lao tăng lên rất mạnh, đặc biệt bệnh lao thường “tấn công” những người có tuổi đời rất trẻ. Bệnh tay chân miệng, một bệnh bắt nguồn từ vi khuẩn đường ruột cũng đã có biểu hiện xảy ra. Đây là điều các cấp ngành chức năng ở Bình Định cần đặc biệt quan tâm”.