Đồng Nai: Đừng để luật môi trường bị “lờn thuốc”

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) quy định khi lấp đầy 30% diện tích, các khu công nghiệp (KCN) phải đưa hệ thống xử lý nước thải tập trung vào hoạt động, các nhà máy trong KCN trước khi đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Tuy nhiên ngay phút đầu, ở Đồng Nai, có dấu hiệu luật mới này bị… xem thường, cảnh báo sự "lờn thuốc" trong tương lai gần.

Kết quả kiểm tra mới đây của Sở TNMT Đồng Nai, trong 13 KCN có nguồn thải lớn (hơn 57.000m3/ngày đêm) thì chỉ gần 20.000m3 (chiếm gần 1/3) được qua xử lý tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung của các KCN.

Còn lại, có tới 9/13 KCN lớn gây ô nhiễm mức độ nghiêm trọng gồm: Hố Nai, Biên Hoà 1, Nhơn Trạch 2, Nhơn Trạch 3, Sông Mây, Amata, Gò Dầu, Tam Phước và Loteco. Tổng lượng thải của 9 KCN này thải thẳng ra sông Đồng Nai hơn 40.000m3/ngày đêm, có thông số màu sắc, coliform vượt tiêu chuẩn quy định.

Đáng lưu ý, hàm lượng chì trong nước thải của KCN Biên Hoà 1 vượt 4 lần quy định, hàm lượng phốtpho trong nước thải ở KCN Amata cao gấp 10 lần, amôniac vượt đến 95 lần. Hàm lượng crôm ở KCN Hố Nai vượt 75 lần… so với quy định.

Luật BVMT quy định khi lấp đầy 30% diện tích, các KCN phải đưa hệ thống xử lý nước thải tập trung vào hoạt động, các nhà máy trong KCN trước khi đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Tuy nhiên ngay phút đầu, luật mới này (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2006) cũng bị… xem thường, cảnh báo sự “lờn thuốc” trong tương lai gần. Bởi có tới 10 KCN xem thường luật bị “điểm mặt”.

Điển hình là KCN Hố Nai, ở giai doạn 1 đã cho thuê tới 82% diện tích, lượng nước thải khoảng 3.500m3/ngày đêm nhưng hệ thống xử lý nước thải vẫn chưa xây dựng. KCN Bàu Xéo đã cho thuê 87% diện tích, lượng nước thải hơn 2.800m3/ngày đêm nhưng vẫn chưa xây dựng hệ thống thoát và xử lý nước thải.

Trách nhiệm đầu tiên là các Công ty kinh doanh hạ tầng KCN, hoặc ” tậu trâu mà không chịu sắm thừng” bỏ tiền làm nhà máy xử lý nước thải tốn kém nhưng lại chưa chịu đầu tư đầu nối vào hệ thống cho các doanh nghiệp dẫn tới không đủ công suất vận hành, gây lãng phí; hoặc do sợ tốn tiền xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nên các ban quản lý “lờ đi”.

Còn doanh nghiệp (DN), do sợ tốn kém hoặc thiếu ý thức trong BVMT… đã tìm nhiều cách trốn tránh trách nhiệm xử lý nước thải của mình hoặc có ký hợp đồng xử lý nước thải nhưng chỉ đưa lượng nước qua hệ thống xử lý rất ít so với khối luợng nước thải thực tế.

Từ 2006 – 2007, đến đầu 2008, tỉnh Đồng Nai đã có văn bản “doạ” nếu KCN nào không xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung thì sẽ không được tiếp tục kêu gọi đầu tư, không được mở rộng hoạt động và các DN không có hệ thống xử lý nước thải cục bộ sẽ phải đóng cửa, bị rút giấy phép hoạt động. Nhưng “quyết liệt” trên giấy mà không có giải pháp cụ thể, thì chỉ khiến phía vi phạm thêm “lờn thuốc, lờn luật” mà thôi.