Quản lý và bảo vệ tài nguyên nước

Tài nguyên nước ở Việt Nam phân bố không đều và biến đổi mạnh theo thời gian. Thiếu nước ngọt đã và đang xảy ra ở nhiều nơi, nhất là vùng núi cao phía bắc và đồng bằng ven biển. Nguy cơ này sẽ trầm trọng hơn vào thế kỷ tới khi lượng nước cần dùng tăng nhanh.

Lượng nước mặt bình quân đầu người hiện nay ở Việt Nam đạt khoảng 3.840m3/người/năm. Theo tiêu chí đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA), thì ở thời điểm hiện nay Việt Nam đã thuộc số các quốc gia thiếu nước và Việt Nam sẽ gặp phải rất nhiều thách thức về tài nguyên nước trong tương lai gần.

Các chuyên gia cảnh báo, 50 năm nữa, Việt Nam sẽ thiếu nước trầm trọng. Trong tương lai không xa, suy thoái tài nguyên nước trên các lưu vực sông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của hàng chục triệu người dân và mọi hoạt động sản xuất. Những bộ phận dân cư sống bằng nước giếng khoan và những thành phố sử dụng nước ngầm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Ðiều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân mà còn có thể ảnh hưởng lớn mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Dường như năm nào cũng vậy, cứ vào mùa hè, mùa khô là người dân Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lại bức xúc vì thiếu nguồn nước sạch cho sinh hoạt. Tại các huyện ngoại thành Hà Nội, mặc dù đã được đầu tư trên trăm tỷ đồng, xây dựng tới 70 trạm cấp nước, nhưng bà con vẫn thiếu nước dùng bởi nước không sạch và không bảo đảm chất lượng (nơi vượt từ 2-4 lần chỉ tiêu ni-tơ, a-mô-ni cho phép; nơi hàm lượng N – NH4 cao hơn tiêu chuẩn của Bộ Y tế từ 2-2,5 lần; chỉ tiêu Coliforms (tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống) ở nhiều nơi không đạt yêu cầu).

Người dân TP Hồ Chí Minh từng phải chịu nạn “nước đục” dai dẳng hàng tháng vì không tìm ra nguyên nhân làm đục nước. Nhiều vùng dù đang giữa mùa mưa vẫn phải chịu cảnh khan hiếm nước, ngày ngày phải chờ đợi từng téc nước đến “ứng cứu”. Ðặc biệt, tại các tỉnh vùng cao phía bắc và Nam Trung Bộ như Hà Giang, Lai Châu, Bình Thuận… người dân phải chắt gạn từng gáo nước dưới đáy giếng hoặc các vũng nước và phải mua nước dùng với giá 40-50 nghìn đồng/m3. Người dân vùng cao, phải tích từng giọt nước mưa dành cho ăn uống, hàng tháng trời cũng không dám tắm giặt.

Xét nghiệm các mẫu nước lấy từ sông Bàn Thạch và đầm Ô Loan (Phú Yên), nước suối Phước Dinh (Ninh Phước, Ninh Thuận), hồ Bàu Thiết, Bàu Trắng (Bình Thuận) đang được sử dụng làm nguồn cấp nước sinh hoạt, hàm lượng ammoniac vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3,96-4,96 lần. Trong 50 mẫu nước thu từ các giếng khoan trên khắp địa bàn Khánh Hòa thì có năm mẫu (10%) hàm lượng Asen vượt quá tiêu chuẩn. Hầu hết giếng nước các khu vực thuộc Hòa Cường, Hòa Khánh (TP Ðà Nẵng), Bình Sơn, Sơn Tịnh, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) bao gồm cả nguồn nước của một số đơn vị cấp nước và khu du lịch có hàm lượng vi khuẩn gây bệnh, trong đó vi khuẩn Coliform và Ecoli từ 3-2.400 con/100ml, vượt tiêu chuẩn từ 1-800 lần.

Ở Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ, trong hơn một thập kỷ qua, số giếng khoan đã tăng gấp bốn lần, đưa con số giếng khoan lên tới hơn một triệu. Con số này tuy chưa phải là lớn nhưng trước tình hình hạn hán như hiện nay đòi hỏi phải nhìn nhận một cách khách quan hơn về tài nguyên nước dưới đất, phải khai thác, sử dụng nước dưới đất có quy hoạch và bền vững. Trên thực tế, năm 2005 do thiếu nước tưới cà-phê, người dân Tây Nguyên đã đổ xô khoan giếng khắp nơi. Hậu quả là hàng nghìn ha cà-phê bị chết cháy vì không có nước tưới, hàng vạn người dân thì không đủ nước để sinh hoạt.

Việt Nam có tài nguyên nước trong lòng đất khá dồi dào, với tổng trữ lượng có thể khai thác được lên tới gần 60 tỷ m3/năm. Ngoài ra, nguồn nước mặt từ các sông hồ cũng rất lớn, khoảng 847 tỷ m3. Tuy nhiên, suy thoái tài nguyên nước đang là hiện tượng khá phổ biến ở Việt Nam. Số liệu của Cục Thủy lợi (Bộ NN và PTNT) cho thấy tài nguyên nước trên các lưu vực sông cũng đang suy giảm nghiêm trọng về số lượng. Mực nước sông Hồng đang ngày càng hạ thấp hơn (mùa khô 2004 – 2005 xuống tới mức 1,36m – thấp nhất trong vòng 100 năm qua; mùa khô 2006 – 2007 xuống tới 1,12m – mức thấp nhất kể từ khi có trạm quan trắc trên sông Hồng).

Trên lưu vực sông Cầu, từ năm 1984 đến nay lượng mưa đã giảm đi 90mm mà không rõ nguyên nhân. Sông Ðồng Nai – Sài Gòn cũng trong tình cảnh tương tự. Thiếu nước ngọt đã và đang xảy ra ở nhiều nơi, nhất là vùng núi cao phía bắc và đồng bằng ven biển. Tình trạng này sẽ trầm trọng hơn vào thế kỷ tới khi lượng nước cần dùng tăng lên mạnh mẽ.

Sự biến đổi của khí hậu toàn cầu cũng dẫn đến suy giảm nguồn nước. Các kết quả nghiên cứu gần đây ở Việt Nam cho thấy, tổng lượng nước mặt của Việt Nam vào năm 2025 chỉ bằng khoảng 96%. Ðến năm 2070 xuống còn khoảng 90% và năm 2100 chỉ còn khoảng 86% so với hiện nay.

Sự tăng nhanh về dân số và khai thác quá mức đã làm suy kiệt nguồn nước.

Trong khi khuyến cáo của các tổ chức quốc tế về tài nguyên nước đưa ra ngưỡng khai thác được phép tại các quốc gia chỉ nên giới hạn phạm vi 30% lượng dòng chảy, thì tại hầu hết các tỉnh miền trung, đông Nam Bộ, Tây Nguyên… hiện đang khai thác hơn 50%, một số tỉnh như Ninh Thuận đã khai thác tới 70-80% lượng dòng chảy về mùa khô. Khai thác quá mức cho phép đã làm số lượng và chất lượng tài nguyên nước trên các lưu vực sông lớn của Việt Nam như sông Hồng, Thái Bình, Ðồng Nai… suy thoái nghiêm trọng.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao không đi đôi với làm tốt công tác bảo vệ môi trường đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn nước. Rõ thấy nhất là chất lượng nước ba lưu vực sông Cầu, Nhuệ – Ðáy, Ðồng Nai – Sài Gòn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, có những đoạn sông đã “chết” hoàn toàn, nhất là ở các vùng hạ lưu. Việc phát triển đô thị và công nghiệp nhưng không có biện pháp quản lý chặt chẽ và xử lý các chất thải lỏng, thải rắn theo yêu cầu cũng đã làm ô nhiễm nguồn nước mặt ngày càng tăng cả về mức độ và quy mô.

Nạn khai thác, đốt rừng bừa bãi gây xói mòn, thoái hóa đất và đồng thời làm cho nguồn nước cạn kiệt, lũ lụt, hạn hán đang có xu thế gia tăng và nghiêm trọng hơn. Hiện nay, nhiều người dân vẫn còn coi nước là “của trời cho”, sử dụng bừa bãi, thiếu ý thức tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước. Khai thác, sử dụng nước dưới đất không hợp lý đã gây ra sụt lún đất, hạ thấp mực nước ngầm ở một số nơi, nhiễm mặn khá phổ biến ở nhiều vùng ven biển, ảnh hưởng tới tầng chứa nước ngọt.

Tài nguyên nước không phải vô tận. Quản lý tài nguyên nước phải trên cơ sở bảo đảm cả chất lượng và dung lượng trên toàn lưu vực mới có thể giải quyết tốt cho nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng. Ðể giải quyết tình trạng này, mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đã được Nhà nước gấp rút xây dựng. Chiến lược này là định hướng hoạt động phát triển và quản lý tài nguyên nước cho một giai đoạn theo quan điểm của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường nhằm tạo bước chuyển đổi cơ bản cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước.

Mặt khác, cần khuyến khích người dân sử dụng cấp nước tập trung để tránh gây cạn kiệt nguồn nước dưới đất. Như ở Bạc Liêu, khi phát động phong trào khoan giếng bơm tay không hiệu quả, tỉnh đã chuyển sang đầu tư xây dựng các trạm cấp nước tập trung ở các xã, thị trấn. Ðến nay, Bạc Liêu đã có hơn 40 hệ thống cấp nước tập trung, công suất từ 50 đến 300 m3/ngày đêm được đưa vào sử dụng. Ðể khuyến khích người dân sử dụng nước tập trung, tỉnh cũng đã hỗ trợ từ 85 đến 90% chi phí lắp đặt. Bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên nước sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.