Có một thực tế đang ngấm ngầm diễn ra từ mấy chục năm qua, đó là đất canh tác (bao gồm đất trồng lúa và hoa màu) đã và đang bị thu hẹp một cách đáng lo ngại. Chỉ tính từ năm 2004 đến nay cả nước ta có gần 5 vạn hecta đất canh tác bị chuyển đổi sang sử dụng vào mục đích khác. Riêng diện tích trồng lúa đang giảm dần hàng năm. Nếu như năm 2000, diện tích trồng lúa ở nước ta là 7,6 triệu ha; năm 2003 là 7,445 triệu ha, thì đến năm 2007 ước tính chỉ còn 7,201 triệu ha. Đây là một thực tế cần được đánh giá đầy đủ, nghiêm túc vì đất canh tác là một trong những yếu tố mang ý nghĩa quyết định đến chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước không chỉ hôm nay mà cho cả tương lai mai sau.
Xét một cách toàn diện, đất canh tác bị thu hẹp dần từ những lý do chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, hàng năm cả nước có trên 1 triệu trẻ em ra đời (tương đương với dân số 1 tỉnh trung bình, riêng năm 2006 là 1,6 triệu trẻ em ra đời). Và hàng năm cũng có ít nhất trên 300 ngàn người đến tuổi trưởng thành. Lực lượng này trước hết có nhu cầu về đất ở và sau đó là các nhu cầu về đời sống xã hội khac như học hành, chữa bệnh, việc làm… Đất đó, lấy ở đâu ra nếu không phải là phần lớn chuyển từ đất canh tác (thổ canh) thành đất thổ cư. Đất cho gần 400 trăm ngàn người chắc chắn sẽ không dưới hàng trăm ha mỗi năm.
Thứ hai, hàng chục vạn hecta đất canh tác được sử dụng vào việc xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị. Có thể nói những năm qua, tỉnh thành nào, huyện nào, thậm chí cả xã cũng xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, sử dụng trên 6 vạn ha đất. Điều đáng nói là phần lớn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đều được xây dựng trên vùng đất canh tác loại 1 hoặc loại 2.
Khu công nghiệp Mê Linh (Vĩnh Phúc), Từ Sơn, Gia Bình (Bắc Ninh), xung quanh thành phố Hải Phòng, Hải Dương… là những ví dụ điển hình. Bởi lẽ, ở đó nhà đầu tư thấy cái lợi, họ không phải bỏ nhiều vốn để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng như: san ủi mặt bằng, giao thông, bến bãi, điện, nước, thông tin, truyền thông… Tình trạng vận chuyển cát, sỏi đã đổ lên đất canh tác, san lấp tạo thành mặt bằng xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị đang diễn ra rất phổ biến. Những vùng đất như thế sẽ rất khó đưa trở lại thành đất canh tác.
Đi liền với sự phát triển công nghiệp là xu hướng đô thị hóa. Qua hơn 20 năm tiến hành Công nghiệp hóa, đô thị hóa (CNH-ĐTH), nhiều thị tứ trở thành thị trấn, thị trấn thành thị xã, thị xã lên thành phố, thành phố loại 3 lên loại 2… Vì vậy, hàng vạn hecta đất canh tác nhanh chóng trở thành đất ở. Điều này lý giải vì sao, dọc theo các tuyến quốc lộ từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây, trước kia có nơi hoang vắng là thế, nay chung cư, khách sạn, nhà hàng, quán xá…mọc lên san sát.
Nguyên nhân thứ ba là phát triển thủy điện. vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi Nhà máy Điện Hòa Bình phát điện thì hàng nghìn hecta (trong đó phần lớn là đất canh tác) đã bị chìm sâu trong nước. Các công trình Thủy điện như: Thác Bà, Hòa Bình, Yaly, Sơn La, Tuyên Quang và hàng chục công trình thủy điện khác đã và đang xây dựng sẽ có hàng vạn hecta đất canh tác sẽ bị nhấn chìm trong nước. Đấy là chưa kể ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, từ việc ngăm sông tạo thành hồ chứa hàng chục tỉ mét khối nước.
Nguyên nhân thứ tư, là đất canh tác sử dụng vào các mục đích giao thông và các hiện tượng biến động của tự nhiên khác như sự di chuyển của cát, sụt lở và đất bị thoái hóa, bạc màu.
Thực hiện công cuộc CNH – HĐH nền kinh tế đất nước thì việc phát triển giao thông là một yếu tô khách quan. Chỉ tính riêng từ năm 1998 đến nay trên 6 vạn ha đất đã được sử dụng vào việc xây dựng và mở rộng các tuyến đường giao thông (trong đó chủ yếu là đất đã được sử dụng vào việc xây dựng và mở rộng các tuyến đường giao thông (trong đó chủ yếu là đất canh tác). Chỉ tính riêng việc mở rộng quốc lộ 1, Quốc lộ 5, các cảng hàng không… thời gian qua sử dụng tới 1,7 vạn ha đất. Và sắp tới sẽ có nhiều nghìn hecta đất canh tác được sử dụng xây dựng cảng hàng không miền Bắc, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai…
Ngoài ra, do sử dụng đất tuy tiện, thiếu khoa học, kéo dài mấy thập kỷ qua đã dẫn đến tình trạng sa mạc hóa cục bộ khá phổ biến. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thì cả nước có tới 2 triệu hecta đất đang bị thoái hóa nặng. Chỉ tính riêng 10 tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã có tới 419 nghìn hecta đang sa mạc hóa cục bộ. Con số này ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long là 43,3 nghìn hecta (tất nhiên những con số trên không phải tất cả là đất canh tác). Đó là chưa kể mỗi năm cả nước mất đến 350 hecta đất canh tác do sạt lở ở các dòng sông, trên 40 hecta bị cát di chuyển vùi lấp.
Từ những phân tích trên có thể thấy, nếu cứ quản lý và sử dụng một cách tùy tiện, với những quy hoạch và toan tính vì lợi ích cục bộ trước mắt, vô trách nhiệm với mai sau, thì không bao lâu nữa đất canh tác của nước ta sẽ chỉ còn một nửa so với hiện tại. Khi đó, từ một nước xuất khẩu nông sản có thứ hạng trên thế giới, sẽ lâm vào tình trạng thiếu lương thực một cách trầm trọng. Đến năm 2020 nước ta cơ bản là một nước công nghiệp, khi đó với diện tích trồng lúa chỉ còn khoảng 4 triệu ha, làm sao đủ lương thực cho 120 triệu người?
Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia đang thiếu lương thực trầm trọng. Nhiều nước như Ấn Độ, Nga, Braxin, và ngay cả Trung Quốc, sau một giai đoạn tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ, các quốc gia đã lâm vào tình trạng thiếu lương thực. Vì thế, gần đây họ phải đưa hàng triệu ha trở lại trồng ngũ cốc, nhằm đảm bảo ổn định lương thực.
Rõ ràng, đã đến lúc chúng ta cần nhận thức thật sâu sắc về việc sử dụng tiết kiệm, khoa học và có hiệu quả đất canh tác. Đó không chỉ là chuyện trước mắt mà còn có ý nghĩa sống còn cho sự phát triển của đất nước trong tương lai. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi công dân phải biết tiết kiệm, biết yêu quý, giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc. Bởi đó là đất nước mà cha ông, tổ tiên ta ngàn đời nay phải đổ bao nhiêu mồ hôi, xương máu mới có được.
Ở tầm vĩ mô, trong công tác quy hoạch về sử dụng đất nói chung, đất canh tác nói riêng, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, phải được nghiên cứu một cách khoa học, có tầm nhìn chiến lược, đồng thời lại phải rất cụ thể, chi tiết đối với từng vùng, từng khu vực nhằm sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả nhất. Nhà nước cần sớm ban hành những văn bản quy phạm pháp luật, có chế tài mạnh để xử lý, ngăn chặn những hành vi sử dụng hoang phí thậm chí hủy hoại đất nói chung, đất canh tác nói riêng.
Chỉ có như vậy, tình hình kinh tế – xã hội của đất nước mới luôn trong thế ổn định và phát triển vững chắc, các thế hệ mai sau mới có đất để làm ăn và sinh sống.