Nghiên cứu mới về biến đổi khí hậu

Trái đất ấm lên không phải là nguyên nhân làm gia tăng bão lớn ở Đại Tây Dương, và không chỉ có vậy, thực tế hiện tượng Trái đất ấm lên còn làm giảm số các trận bão hoành hành trên Đại Tây Dương cũng như các trận cuồng phong đổ bộ vào đất liền. Đây là kết luận gây sửng sốt giới khí tượng học trong công trình nghiên cứu của nhà khoa học Tom Knutson thuộc Viện Khí quyển và Hải dương học quốc gia của Mỹ. Công trình này được công bố ngày 18/05 trên tạp chí Khoa học địa lý tự nhiên (Mỹ).

Trước đây, nhà khoa học Knutson từng quan ngại về tác động của biến đối khí hậu đối với các trận bão. Song, trong nghiên cứu mới, ông đã đưa ra một luận điểm ngược lại và châm ngòi một cuộc tranh cãi mới trong giới khí tượng học về tác động hiện nay cũng như trong tương lai của hiện tượng Trái đất ấm lên đối với thời tiết khu vực Đại Tây Dương.

Trong nghiên cứu dựa trên tính toán và phân tích của máy tính, nhà khí tượng học Knutson cảnh báo về các tác hại của biến đổi khí hậu, đồng thời bác lại quan điểm lâu nay rằng sự gia tăng đột biến các cơn bão ở Đại Tây Dương là hệ quả tất yếu của hiệu ứng nhà kính.

Ông dự đoán tới cuối thế kỷ này, số các cơn bão lớn ở khu vực này sẽ giảm 18%, trong khi số trận cuồng phong đổ bộ vào Mỹ và các nước láng giềng sẽ giảm tới 30% do các nhân tố tác động tới hướng gió. Những trận ”siêu bão” với sức gió lên tới hơn 110 dặm/giờ (tương đương 176 km/giờ) sẽ giảm 8%, trong khi bão nhiệt đới với sức gió từ 39-73 dặm/giờ sẽ giảm tới 27%.

Không chỉ có thế, nghiên cứu của nhà khí tượng học Knutson còn đưa ra những dự báo khác về các trận cuồng phong và bão nhiệt đới. Theo ông, lượng mưa trong vòng bán kính 30 dặm tính từ tâm bão sẽ tăng 37%, trong khi sức gió sẽ mạnh thêm 2%. Tuy nhiên, ông thừa nhận những hạn chế trong công trình khoa học này khi không đánh giá được chính xác về cường độ, thời gian và phạm vi ảnh hưởng của các cơn bão. Ông nhấn mạnh nghiên cứu này mới chỉ dừng ở việc đưa ra một bức tranh tổng thể về các cơn bão ở Đại Tây Dương.

Kể từ ”siêu bão” Katrina năm 2005, các cơn bão lớn (sức gió cấp 8 trở lên – tương đương 117 km/giờ) thường được coi là biểu tượng cho sự thịnh nộ của thiên nhiên trước những hoạt động tàn phá môi trường của con người khiến Trái đất ấm lên. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu đã gắn hiện tượng bão lớn xuất hiện nhiều trong những năm gần đây với việc Trái đất ấm lên kéo theo nhiệt độ nước cao hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng không có mối liên hệ giữa hai hiện tượng này và khẳng định đây là sự lặp lại của một chu trình tự nhiên kéo dài nhiều thập kỷ.

Theo nhiều nhà khí tượng học trên thế giới, kết luận biến đổi khí hậu là nguyên nhân gia tăng bão ở các đại dương là khá phiến diện và chưa đủ bằng chứng thuyết phục. Mùa bão hàng năm ở Đại Tây Dương bắt đầu từ 1.6. Mỗi năm có 10 cơn bão lớn được đặt tên, trong đó có 6 cơn cuồng phong và 2 ”siêu bão”. Tính trung bình, cứ ba năm nước Mỹ phải hứng chịu 5 cơn cuồng phong.