Trường Sa – đảo nổi xanh cây…

ThienNhien.Net – Vào một ngày chớm hạ, chúng tôi lên tàu HQ.957 rời cảng Ba Son – thành phố Hồ Chí Minh ra thăm huyện đảo Trường Sa. Đang là mùa biển lặng, nhưng nhiều người không có “thần kinh thép” đều bị say sóng trùng khơi. Cứ lênh đênh trên tàu suốt hai ngày một đêm, rồi chúng tôi cũng đến được quần đảo Trường Sa – phần đất thiêng liêng của Tổ quốc mà cha ông ta đã cắm mốc khẳng định chủ quyền lãnh thổ từ lâu… “đảo đá” giờ không còn nữa, nó đã thành “đảo xanh”.

Thấp thoáng qua màn sương mỏng của một ngày mới đang bừng lên, đứng trên boong tàu tôi nhìn thấy một dải cây xanh ở nơi đường chân trời và mặt biển giao nhau. Thượng tá Nguyễn Văn Huân – Lữ đoàn phó Lữ đoàn M25, cho biết: “Đấy là Trường Sa Lớn – “thủ phủ” của huyện đảo Trường Sa. Những năm qua, quân và dân huyện đảo đã đổ không biết bao nhiêu công sức và mồ hôi mới biến đảo đá thành đảo xanh…”. Trong chuyến công tác, ngoài Trường Sa Lớn, tôi cùng cánh phóng viên báo chí của các tỉnh thành và các cơ quan ban ngành các tỉnh Đồng Nai, Đắk Lắk, Cần Thơ còn đến các đảo Trường Sa Đông, Phan Vinh… Và điều ai cũng có thể dễ dàng nhận ra là các đảo ở nơi đầu sóng ngọn gió đều rợp bóng cây xanh, khiến cho ta cảm thấy… “gần lắm Trường Sa”!

Trò chuyện với Đại tá Nguyễn Hữu Vinh – Trưởng Đoàn công tác, tôi được biết, hàng triệu năm về trước, do sự hoạt động của các miệng núi lửa ở giữa đại dương đã kiến tạo nên những đảo đá và những bãi cạn san hô của quần đảo Trường Sa. Chính vì vậy, các đảo nổi hoàn toàn không có đất và nước ngọt, chỉ toàn đá là đá! Để có được màu xanh tươi mát ở các đảo nổi, bao thế hệ cán bộ chiến sĩ hải quân đã kiên trì bền bỉ lao động “một nắng hai sương” hơn ba chục năm ròng. Với công cụ thô sơ như xà beng, cuốc, xẻng… những người lính đảo đã đục đào những hố rộng và sâu đến ngang thắt lưng. Rồi tàu của Lữ đoàn M25 vận chuyển đất, nước ngọt và phân bón từ đất liền ra các đảo nổi. Những người lính đảo bưng bê từng sọt đất quý hiếm như vàng đổ đầy các hố sâu để chuẩn bị cho công việc biến đảo đá thành đảo xanh. “Anh không thể tưởng tượng được đâu, nói thì đơn giản vậy, nhưng làm lại gian nan vất vả vô cùng. Bởi thời tiết khí hậu ở nơi đầu sóng ngọn gió này khắc nghiệt đến độ cây xương rồng, cây gai lưỡi long cũng không sống nổi!”. Thượng tá Nguyễn Đại Dương- Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, cười nói với tôi.

 TruongSa
Trái bàng vuông – “đặc sản” của huyện đảo Trường Sa.

Đối với việc phủ xanh đảo nổi, vấn đề nan giải nhất là làm sao chọn lựa được các loại cây có khả năng chịu đựng cái nắng cháy da và cái gió đẫm hơi muối mặn? Qua nhiều lần thử nghiệm, những người lính đảo ở các đảo Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh, Sinh Tồn, Nam Yết… đã tìm ra được bốn loại cây trồng: Đó là cây bàng vuông, cây bão táp, cây phong ba và cây tra. Chiến sĩ Nguyễn Đức Huy ở đảo Trường Sa Lớn, thật thà nói: “Tìm cây giống trồng xong, không có nghĩa là đã hoàn thành nhiệm vụ. Bọn em còn phải đóng cọc, dùng tôn hoặc tấm bạt ni lông che chắn chung quanh. Khi nắng lên thì đậy bên trên, lúc chiều xuống lại múc từng ca nước ngọt “tiết kiệm” từ tắm rửa để chăm tưới cho cây…”. Còn Đại uý Nguyễn Tiến Lương – “nhà thơ ở đảo Trường Sa Đông” cười : “Ở đây, mỗi một mầm xanh được người lính đảo nâng niu chăm sóc kỹ càng lắm. Nhờ vậy, cùng với thời gian, màu xanh cây lá dần phủ kín các đảo đá đầy nắng và gió”.

Có màu xanh cây lá nên màu xanh rau quả cũng đã sinh sôi.Ở các đảo nổi, những giàn bầu bí, mướp đắng; những liếp dưa leo… quả treo lủng lẳng. Những vườn rau muống, rau ngò, rau diếp cá, rau sâm đất, rau húng quế, lá mơ… được trồng trong những chiếc khay nhựa, khay gỗ, có tường gạch xây bao bọc tứ bề. Thiếu úy Nguyễn Văn Bính ở đảo Phan Vinh, giải thích: “Tuy có cây xanh che chắn khắp nơi nhưng gió biển vẫn mang hơi muối mặn tràn vào. Không có tường bao, các loại rau đều xàu héo hết!”.

Thiên nhiên khắc nghiệt nhưng không khuất phục được những người lính đảo. Sau ba mươi năm, họ đã phủ xanh các đảo đá. Và nhờ “xanh hóa” mà những giếng nước ở đảo Trường Sa Lớn cũng đã được “ngọt hóa”. Nguyễn Văn Huynh và Nguyễn Thành Trung- hai chiến sĩ trẻ tại đảo Trường Sa Lớn, cười hớn hở: “Ở đây bây giờ có nước giếng tắm rửa vô tư! Mặc dù nước giếng đảo chưa thật sự “ngọt hóa” 100% nhưng cũng không còn cái vị mằn mặn và khi tắm rửa xong cũng không thấy thịt da rin rít vì muối…”. Thượng tá Nguyễn Đại Dương “khoe” với tôi: “Có cây xanh, có rau cỏ, chúng tôi chăn nuôi được heo, gà, vịt… Nhờ thế, bữa ăn hằng ngày của lính đảo cũng tươm tất hơn so với trước đây. Bình quân mỗi tháng một người có thêm 14kg rau xanh các loại, 11kg hải sản và 1,6kg thịt”. Đảo nổi xanh cây. Vì vậy, cuộc sống của những người lính đảo cũng không ngừng được cải thiện.

Dẫu cách xa đất liền nhưng tôi cảm thấy Trường Sa gần lắm, bởi phong cảnh ở nơi đầu sóng ngọn gió không khác chi ở chốn quê nhà…