Phansipan: Ngôi nhà lý tưởng của cá hồi vân

Cá hồi vân – một trong nhiều họ thuộc loại cá hồi có môi trường sống rất đặc biệt, chúng chỉ có thể sống và phát triển trong môi trường nhiệt độ thấp ở châu Mỹ, châu Âu.

Cá hồi không chỉ nổi tiếng bởi chu kỳ sống rất khác biệt với nhiều loài cá khác mà chúng còn là một trong những loại cá có chất lượng thực phẩm hàng đầu. Bấy lâu nay, chúng ta chỉ có thể thấy và thưởng thức món cá hồi ở các nước xứ lạnh, nhưng giờ cá hồi đã được nuôi thành công tại Trung tâm Nghiên cứu nước lạnh Sa Pa tọa lạc tại khu vực thác Bạc, dưới chân đỉnh Phansipan- “nóc nhà Đông Dương”, huyện Sa Pa (Lào Cai).

Đầu năm 2005, Trung tâm Nghiên cứu nước lạnh Sa Pa được thành lập (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I – Bộ Thủy sản), mới đầu chỉ một vài dãy nhà mái tôn được dựng lên với gần chục chiếc “ao” nhân tạo là những bể đường kính trung bình từ 6m – 7,5m. Bên cạnh đó là hàng nghìn mét đường ống dẫn nước bằng nhựa tổng hợp dẫn nước từ chân thác Bạc về.

Do là dự án đầu tiên được triển khai ở Sa Pa, việc nuôi cá hồi gặp không ít khó khăn thử thách, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên còn nhiều bỡ ngỡ và thiếu nhiều kinh nghiệm. Tuy vậy, vượt lên mọi khó khăn, cuối năm 2005 lứa cá hồi đầu tiên được nhập từ Phần Lan về nuôi thử nghiệm đã cho kết quả khả quan, với tỷ lệ sống đạt trên 90% và đến cuối năm 2006, lứa cá đầu tiên đó đã được xuất chuồng, mang thứ thực phẩm thượng hạng từ xứ châu Âu cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của thị trường Việt Nam. Dự án đưa con cá hồi lên nuôi trên núi đá Fansipan- Sa Pa đã thành công ngoài mong đợi.

Hiện nay, quy mô Trung tâm đã được mở rộng hơn nhiều lần so với ngày mới thành lập, đội ngũ chuyên gia, cán bộ, kỹ thuật viên cũng đông đảo và có nhiều kinh nghiệm. Khu nuôi cá được chia làm 3 khu riêng biệt, mỗi khu lại nuôi một thế hệ cá khác nhau: Khu 1 là nơi ươm và ấp trứng với 12 bể con (dung tích trung bình mỗi bể là 2,5m3/bể) và 2 bể to mỗi bể có dung tích 60m3. Sau khi cá hồi đã đủ tuổi được chuyển sang nuôi ở khu 2, đây là khu nuôi cá ở tuổi trưởng thành. Khu 2 gồm 3 bể, mỗi bể có dung tích 60m3. Khu 3 là nơi nuôi cá hồi đã trưởng thành và chuẩn bị xuất chuồng, khu 3 gồm 5 bể với dung tích 250m3/bể. Ngoài ra còn có 3 khu chuyên làm các thí nghiệm sinh học như: khu làm sinh sản, khu nuôi v.v…

Mỗi năm, Trung tâm nhập từ 25 – 30 vạn con cá giống từ Phần Lan, ngoài ra hiện nay Trung tâm đã nghiên cứu thành công việc cho cá tự sinh sản, cung cấp nguồn con giống tại chỗ. Điều này có ý nghĩa to lớn trong việc tiết kiệm chi phí mua và vận chuyển con giống, đồng thời cho thấy môi trường nơi đây rất thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cá hồi. Trung bình hàng năm, nơi đây cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 2 lứa với khối lượng từ 100 – 200 tấn cá hồi thương phẩm với giá bình quân 150.000đ/kg.

Từ tiền đề cho ấp, nở và nuôi thành công cá hồi vân, hiện nay Trung tâm Nghiên cứu nước lạnh Sa Pa đang triển khai thực hiện đề tài sinh sản cá tầm Trung Quốc – một giống cá khác có giá trị kinh tế rất cao (khoảng 800.000đ/kg). Đây là đề tài của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Quốc gia được thực hiện tại Sa Pa. Với 26 con cá tầm được nhập từ Nga, trong đó có một số con đang trong thời kỳ chuẩn bị sinh sản, hi vọng dự án sẽ thành công và Sa Pa sẽ là môi trường lý tưởng không chỉ với cá hồi.

Bên cạnh đó, Trung tâm Nghiên cứu nước lạnh Sa Pa đã mở rộng địa bàn nuôi cá hồi vân sang xã Dền Sáng – huyện Bát Xát. Theo các kết quả nghiên cứu cho thấy Dền Sáng có môi trường thuận lợi cho cá hồi sinh sôi, phát triển, thậm chí về mùa hè khí hậu nơi đây còn mát hơn ở Sa Pa.

Cá hồi Sa Pa không chỉ là món ăn hấp dẫn đối với bất cứ ai một lần thưởng thức mà đang dần trở thành một sản phẩm mới của ngành du lịch nơi đây, thu hút nhiều lượt khách du lịch trong và ngoài nước.