Áp dụng sản xuất sạch hơn để bảo vệ môi trường

Nhằm góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, ngành công nghiệp đang khuyến khích áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) trong các cơ sở công nghiệp cả nước. Ông Chu Đức Khải, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học- Công nghệ (Bộ Công Thương), đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

* Mục tiêu mà ngành công nghiệp đặt ra trong việc triển khai áp dụng SXSH trong các cơ sở sản xuất công nghiệp là gì, thưa ông?

Thời gian qua, các doanh nghiệp đã nhận thức tầm quan trọng của việc SXSH và áp dụng vào sản xuất. Một số doanh nghiệp đạt kết quả khích lệ trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều, các giải pháp áp dụng còn ở mức độ đơn giản, nên hiệu quả chưa được như mong muốn.

Nước ta đang phấn đấu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, việc đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của ngành công nghiệp là rất cần thiết. Do đó, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCN, ngày 10/07/2007 về việc áp dụng SXSH trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường. Mặt khác, cũng để thực hiện theo tinh thần Quyết định 328/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong kế hoạch quốc gia về kiểm soát ô nhiễm môi trường đến năm 2010 và Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã xây dựng chiến lược SXSH trong công nghiệp, giao cho Vụ Khoa học – Công nghệ chủ trì. Mục tiêu là tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm và tránh thải các chất ô nhiễm, bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho con người, đồng thời hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong sản xuất công nghiệp. Bộ Công Thương đang thực hiện Hợp phần SXSH trong Công nghiệp (CPI) thuộc Chương trình hợp tác giữa chính phủ Việt Nam- Đan Mạch về Môi trường (DCE), giai đoạn 2006-2010. Kết quả bước đầu rất khả quan.

* Đến nay, hiệu quả DCE mang lại như thế nào, thưa ông?

Trong chương trình này, chúng tôi thực hiện mô hình trình diễn về SXSH trong doanh nghiệp ở các tỉnh: Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Nam, Phú Thọ và Bến Tre. Năm 2007, áp dụng ở 8 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất: xi-măng, giấy, kim loại, chè… Tổng mức đầu tư đổi mới, cải tiến các thiết bị công nghệ trong quá trình SXSH của 8 doanh nghiệp có chi phí 25 tỉ đồng, thời gian hoàn vốn đầu tư trung bình 15 tháng, gồm: cải thiện dây chuyền phân loại chè, sắp xếp lại kho đựng nguyên liệu; xây mới hệ thống thu gom bụi để tái sử dụng; khắc phục rò rỉ, cải thiện chất lượng môi trường lao động… Kết quả đã tiết kiệm được gần 20 tỉ đồng/năm và giảm được lượng bụi xi măng đến 90%, lượng nước thải, bụi thải, đồng thời tiết kiệm được nguyên liệu đầu vào đáng kể cho doanh nghiệp.

* Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở TP Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung rất ngại việc đầu tư đổi mới thiết bị cho SXSH. Lý do: chi phí đầu tư quá cao, trong khi nguồn vốn của doanh nghiệp có hạn. Ông nhận định ra sao về vấn đề này?

Tôi cho rằng, cách nghĩ công nghệ của mình đã lạc hậu và để SXSH thì phải bỏ ra chi phí đầu tư để thay đổi công nghệ là rất sai lầm. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp máy móc, thiết bị công nghệ tuy lạc hậu thật, nhưng không có nghĩa là SXSH thì phải thay đổi toàn bộ công nghệ. Như vậy, chi phí sẽ rất lớn, mà có khi không cải thiện được việc gì, việc thay đổi này chẳng khác nào “vá lên cái áo rách một miếng vải cũ”.

Phần lớn các doanh nghiệp đi theo quan điểm truyền thống là cứ sản xuất xong rồi xử lý ô nhiễm ở “cuối đường ống”. Nhiều doanh nghiệp muốn giảm chi phí đã thải các chất thải trực tiếp ra môi trường, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế. Thêm vào đó, hiện nay các khu công nghiệp ĐBSCL rất ít khu có nhà máy xử lý nước thải tập trung, việc phân loại chất thải công nghiệp cũng không được quan tâm đúng mức. Vì thế, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN đang ở mức báo động. Nếu không có cái nhìn đúng về tác hại từ quá trình sản xuất công nghiệp mang lại thì Cần Thơ và ĐBSCL sẽ mất đi tiềm năng sẵn có khi môi trường bị tổn hại.

Do đó, phải thay đổi cách nghĩ. Thay vì xử lý “cuối đường ống”, các doanh nghiệp nên giải quyết từng khâu một ngay từ nguyên liệu đầu vào, qua từng công đoạn. Nếu được giải quyết cụ thể như vậy sẽ giảm chi phí xử lý môi trường rất nhiều. Chi phí đầu tư thấp sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá thành và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

* Ông có ý kiến gì về việc triển khai SXSH của các doanh nghiệp ở ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng trong thời gian tới?
Hiện nay, các doanh nghiệp và lãnh đạo các địa phương trong vùng ĐBSCL đã nhận thức rõ tác hại của việc môi trường bị ô nhiễm. Đặc biệt là TP Cần Thơ đã nắm bắt khá nhanh vấn đề SXSH và có kế hoạch triển khai, phát động doanh nghiệp đăng ký rất bài bản. TP Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung đang có rất nhiều tiềm năng về SXSH. Nếu tổ chức quản lý tốt phạm vi mà chương trình SXSH mang lại thì hiệu quả sẽ được nhân rộng. Các doanh nghiệp quan tâm đến SXSH ngay từ đầu sẽ tránh được những thất thoát và giảm chi phí sản xuất rất nhiều.

* Xin cảm ơn ông!