Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các trạm trung chuyển rác

Thời gian gần đây, nhiều người dân đã phản ánh về tình hình ô nhiễm môi trường, cũng như lo lắng về nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các trạm trung chuyển rác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).

Mùi hôi “tấn công” cả ngày lẫn đêm

Nằm ngay dưới chân cầu Chánh Hưng, tại ngã ba góc đường Phạm Hùng – Nguyễn Duy (phường 10 quận 8) là một bãi rác rất lớn, nằm sát khu dân cư, bốc mùi hôi nồng nặc.

Chị Hương, chủ một quán cà phê nằm trên đường Nguyễn Duy cho biết, mùi hôi bốc lên cả ngày lẫn đêm, vì rác ở đây chất đầy quanh năm. Người dân sống quanh khu vực này đã từng phản ánh nhiều lần, nhưng chẳng thấy thay đổi gì. Sống riết rồi quen. Với nhiều người lâu lâu mới đến, bà con dưới quê lên chơi, ở lại vài ngày là chịu không nổi. Ngoài mùi hôi, nước từ trong các đống rác rỉ ra chảy đầy lề đường, đen ngòm, hôi thối.

Cũng ngay trên địa bàn quận 8, mùi hôi của điểm trung chuyển rác nằm ở góc đường Bùi Huy Bích – Bình Đông (phường 13) bốc từ xa đến cả 100m vẫn còn rất nặng. Thế nhưng cách bãi rác chưa đầy 10m là nhà dân, là ngôi chùa Bình Hòa.

Người dân ở đây cho biết, khi các xe thu gom từ các đơn vị thu gom rác dân lập về, xe ép rác chưa kịp đến, những người thu lượm ve chai lật tung rác lên là lúc mùi rác “tấn công” không thể chịu được. Nhiều loại rác sinh hoạt đã bọc kín trong các bọc ni lông, vậy mà người ta cũng xé toang ra, mùi tanh thật sự kinh khủng…

Dạo quanh các địa phương khác, tình trạng các trạm trung chuyển rác, những “điểm hẹn” ép rác gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các thùng rác không được che kín… cũng đang rất phổ biến.

Thậm chí, trên đường Nguyễn Thái Sơn (phường 3 quận Gò Vấp), người ta ngang nhiên biến trạm chờ xe buýt thành một trạm ép rác, với hàng chục xe thu gom nối đuôi nhau từ sáng đến tối, vừa gây ô nhiễm cho người dân, vừa gây cản trở giao thông cả đoạn đường, vốn đã rất hẹp do phân luồng.

Còn tại quận Thủ Đức, các trạm trung chuyển rác không những đang lấn sâu vào các khu dân cư, chợ (như bãi rác “nổi tiếng” về ô nhiễm môi trường trên đường Kha Vạn Cân, khu phố 7 phường Hiệp Bình Chánh) mà còn tấn công vào cả bệnh viện đa khoa, khu nhà lưu trú của công nhân (như trạm trung chuyển nằm trên đường Lê Văn Chí, khu phố 1 phường Linh Trung).

Mỗi ngày tình trạng ô nhiễm môi trường từ các trạm trung chuyển rác càng trầm trọng thêm, khi mà giờ giấc hoạt động của các trạm trung chuyển gần như đang thả nổi, thay vì chỉ hoạt động vào những thời gian nhất định trong ngày thì nay hoạt động gần như suốt ngày đêm…

Cần những giải pháp đồng bộ

Theo số liệu thống kê từ Công ty Môi trường đô thị, hiện trên toàn địa bàn TP.HCM còn khoảng 400 điểm hẹn lấy rác. Trong đó, chỉ có 4 trạm ép rác kín, còn lại là các điểm hẹn lấy rác nổi.

Mới đây, từ kiến nghị của Sở TN-MT TP về việc đầu tư xây dựng trạm ép rác kín trên địa bàn các quận 6, Bình Tân, Tân Bình và huyện Bình Chánh, UBND TP.HCM đã chỉ đạo UBND các quận, huyện trên rà soát việc quy hoạch trạm ép rác trên địa bàn.
Ngoài trạm ép rác kín trên mặt đất, các quận, huyện cũng phải tính đến phương án xây dựng trạm ép rác kín dưới mặt đất (kết hợp phía trên trồng cỏ làm công viên). Tuy nhiên, khi nào TP có thêm các trạm ép rác kín thì chưa cơ quan nào trả lời. Điều đó đồng nghĩa với việc người dân tiếp tục chịu đựng ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các trạm trung chuyển rác là chưa có hồi kết.

Vấn đề lúc này là người dân mong muốn chấn chỉnh lại hoạt động thu gom và ép rác từ các trạm trung chuyển. Theo ông Hư Văn Muôn, Trưởng ban Điều hành khu phố 7 phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức, địa phương kiến nghị di dời trạm rác trên địa bàn đã hơn 8 năm qua, nhưng chẳng thấy động tĩnh gì.

Theo ông, nếu chưa di dời được, trước mắt cần quản lý lại hoạt động của trạm trung chuyển. Trạm có bảng quy định rất rõ là thời gian nhận rác chỉ từ 6 giờ đến 7 giờ, nhưng không thấy ai nhắc nhở, quản lý nên các xe thu gom không chỉ trên địa bàn quận Thủ Đức mà cả từ tỉnh Bình Dương về đổ rác liên tục cả ngày lẫn đêm.

Rác luôn chất cao thành đống, nắng cũng như mưa, bốc mùi và chảy nước đen ngòm vào tận nhà dân. Một số người dân cho biết thêm, lãnh đạo địa phương nhiều lần kiến nghị lên quận, quận bảo đây là trạm trung chuyển do TP quản lý, quận kiến nghị TP giao cho quận quản lý, nhưng nhiều năm trôi qua, vẫn chưa thấy trả lời…

Giải thích về vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP Trần Đại Đồng cho biết, đúng là công ty có thuê đất thiết lập một số trạm trung chuyển, nhưng quản lý hoạt động của xe thu gom rác dân lập là trách nhiệm của quận huyện. Công ty nhiều lần kiến nghị các cơ quan liên quan giao đất để xây dựng các trạm trung chuyển đảm bảo quy định, nhưng chưa được đáp ứng.

Cũng do lập trạm trung chuyển tạm, nên mỗi lần dân kêu, công ty lại phải chuyển đi địa điểm khác, khiến cho việc đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài việc đầu tư các trạm trung chuyển đúng quy định, thiết nghĩ đến lúc các bên liên quan cần phải ngồi lại bàn bạc, đưa ra các giải pháp chấn chỉnh, quản lý việc thu gom và đổ rác tại các điểm hẹn lấy rác, tránh tình trạng thả nổi, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân như hiện nay.