Dân tộc thiểu số: “Nạn nhân bị lãng quên” của Biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Các dân tộc thiểu số nằm trong nhóm đối tượng đầu tiên gánh chịu hậu quả của sự biến đổi khí hậu, song họ lại là những người cuối cùng nằm trong danh sách viện trợ. Bởi, theo lời một bản tin của tờ Reuters, họ chiếm số ít, bị coi là bên lề xã hội.

Trong báo cáo “Hiện trạng các dân tộc thiểu số trên thế giới năm 2008” của Tổ chức bảo vệ quyền lợi các dân tộc thiểu số (MRG) đã chỉ ra rằng: đôi khi họ còn là nạn nhân trong những nỗ lực khắc phục hiện tượng ấm lên toàn cầu. Chẳng hạn như việc dành đất trồng cây tạo năng lượng sinh học đã phải phát quang một vùng đất rừng không nhỏ.  

Ông Ishbel Matheson – lãnh đạo của MRG cho rằng: Thay đổi khí hậu đã trở thành vấn đề lớn, đầy nóng bỏng trên thế giới, song, việc nhận ra những khó khăn mà các dân tộc thiểu số đang phải đối mặt thường không được quan tâm. Những hậu quả tức thì từ các thảm hoạ đến những chính sách nhằm hỗ trợ và bảo vệ các dân tộc thiểu số cũng như người bản địa trước sự nóng lên toàn cầu dường như cũng bị lãng quên.  

Theo các nhà khoa học cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ nâng lên khoảng từ 1.8 đến 4.0°C trong thế kỉ này do việc thải carbon qua đốt nhiên liệu hóa thạch cung cấp cho nhu cầu năng lượng và giao thông. Điều này sẽ làm tan băng ở 2 cực, nâng cao mực nước biển, gây bão lũ và hạn hán, “đặt” hàng triệu người rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Trong báo cáo của MRG cũng đã cho thấy rõ các dân tộc thiểu số thường sống trong những vùng đất ở rìa ngoài – nơi mà họ tồn tại dựa vào tự nhiên – một nơi dễ bị tổn thương bởi biến động khí hậu, làm thay đổi lượng mưa và mùa màng, đồng thời đây cũng là nơi thường hứng chịu những hậu quả nặng nề.

Báo cáo nhấn mạnh những khó khăn tương tự phải đối mặt ở Dalit (Ấn Độ), Roma (một địa danh ở Slovakia), Rama (Nicaraqua) và Inuit (Bắc Cực). Đồng thời, nó cũng chỉ ra rằng chính phủ phải bắt đầu xây dựng những cam kết chính thức cho tình trạng thay đổi khí hậu. Đẩy mạnh nhiên liệu sinh học và các biện pháp ngăn chặn phá rừng là những trường hợp được đưa ra.

Phát quang và nhường đất cho phát triển năng lượng sinh học không những không giúp ích cho môi trường mà còn tước đoạt của người dân địa phương nguồn sống. Trong bản báo cáo cũng chỉ ra rằng, bất kì thoả thuận nào xung quanh việc giảm tỉ lệ chặt phá rừng trong các cuộc đàm phán kéo dài và phát triển nghị định thư Kyoto (năm 2010) phải linh hoạt để các dân tộc thiểu số có thể tiếp tục tồn tại, chứ không phải đột ngột “cắt” hoàn toàn nguồn sống của họ, gạt họ ra bên lề mà cần phải có những chính sách hỗ trợ hợp lý. 

Theo Matheson:”Các dân tộc thiểu số và người dân bản xứ không những  phải chịu sự tác động thiếu cân bằng do biến đổi khí hậu mà còn chịu tác động bởi những điều mà cả thế giới cho rằng đó là giải pháp chống lại sự biến đổi khí hậu”. 

Báo cáo thường niên năm nay tập trung vào tác động của biến đổi khí hậu, trong đó kêu gọi rằng thế giới đang trong thời điểm thích hợp để đưa người nghèo và những người bị coi là “bên lề” xã hội vào bản đồ chính trị.

Đây là vấn đề cấp bách cần phải làm ngay sau những cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu.