Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 10)

Để thu hút đầu tư, Thanh Hoá đã “hiến” một phần đất 2 lúa cho các dự án công nghiệp. Nhưng thực tế một số khu công nghiệp (KCN) mới chỉ lấp đầy 50 – 60% diện tích. Trong khi nông dân mất đất không có việc làm thì doanh nghiệp (DN) lại nhận đất theo kiểu xí phần…

Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 1)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 2)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 3)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 4)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 5)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 6)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 7)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 8)

Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 9)

Công nghiệp “lấp” đồng bằng…

Từ năm 2005 – 2007 “dẫn đầu” các huyện đồng bằng về thu hồi đất nông nghiệp phục vụ các dự án công nghiệp và đô thị là TP Thanh Hoá (907ha), Quảng Xương (695ha), Hoằng Hoá (322ha), Đông Sơn (269ha). Riêng huyện Tĩnh Gia trong 3 năm đã giao khoảng 5.110 ha đất nông nghiệp cho khu kinh tế Nghi Sơn. Trong khi đó đất nông nghiệp ở miền núi chủ yếu thu hồi cho dự án hồ chứa nước Cửa Đạt.

Vậy có bao nhiêu hécta đất “bờ xôi ruộng mật” ở đồng bằng bị thu hồi? Ông Chánh Văn phòng Sở TN – MT cho biết, Sở chưa thống kê các hạng đất nông nghiệp. Việc này các huyện tự xác định!

Những năm qua Thanh Hoá “trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư vào các huyện đồng bằng. Đông Sơn là huyện có tốc độ “công nghiệp hoá” nhanh. Đến nay huyện đã triển khai 1 khu đô thị, 2 KCN, 4 cụm công nghiệp – làng nghề, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 300ha.

Ông Bùi Đức Châu, phó chủ tịch UBND huyện Đông Sơn cho biết, huyện tránh lấy đất “bờ xôi ruộng mật”, quy hoạch đất tốt để lại cho nông dân sản xuất. Hiện đã thu hồi gần 100 ha đất nông nghiệp, chiếm khoảng 5% diện tích, chủ yếu là đất hạng 3, hạng 4.

Tuy nhiên ông Châu cũng thừa nhận, đến nay các KCN trên địa bàn mới lấp đầy 50% diện tích. Để giải quyết việc làm cho nông dân, 3 năm qua huyện Đông Sơn đã du nhập 10 nghề mới như khâu bóng, móc sợi, thêu ren, nứa cuốn… cho các xã đã và sắp mất đất.

Thu hồi 13ha đất làm… quán cơm bình dân!

Thực tế cho thấy việc thu hồi đất 2 lúa ở Thanh Hoá chưa đem lại lợi ích cho nông dân. Nhiều địa phương đã trở thành “điểm nóng”, khiếu kiện kéo dài. Đơn cử, tháng 10/2004, UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành quyết định thu hồi gần 13ha đất nông nghiệp tại xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương (ven trục đường QL1, giáp TP Thanh Hoá), giao cho Công ty Bất động sản Đông Á thực hiện đền bù, giải phòng mặt bằng (GPMB), xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương thức đổi đất lấy công trình.

Nhưng khi tiến hành dự án, Công ty Đông Á và Ban GPMB huyện Quảng Xương vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân. Bởi họ không đồng tình DN đền bù với giá quá bèo (10,5 triệu đồng/sào, kể cả hỗ trợ việc làm!).

Điều cần phải nói thêm rằng, trong khi 10 hộ dân đang khiếu nại, chưa bàn giao mặt bằng thì UBND tỉnh lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Đông Á. Cầm “sổ đỏ” trong tay, ông Cao Tiến Đoan, Tổng giám đốc Công ty Đông Á đem đến ngân hàng thế chấp vay 34 tỷ đồng (?)

Không hiểu sao đến nay 13ha của DN Đông Á vẫn chỉ là bãi đất trống, chưa triển khai dự án. Khu đô thị chẳng thấy đâu, mà mọc lên một quán cơm bình dân phục vụ xe tải Bắc – Nam.

Ông Mai Văn Ninh, tân Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết: Quá trình đô thị hoá không thể tránh khỏi việc lấy đất nông nghiệp ở đồng bằng. Bởi hầu hết DN rất…ngại đầu tư ở miền núi. Nếu không cho thuê đất ở đồng bằng thì DN sẽ chạy sang tỉnh khác. Dù biết là đất “bờ xôi ruộng mật” vẫn phải thu hồi. Tuy nhiên có không ít dự án phải trả giá do năng lực yếu kém của DN. Đối với dự án khu đô thị mới Quảng Tân, chúng tôi sẽ chỉ đạo các ngành xem xét khả năng tài chính của Công ty Đông Á.