Những cái chết đến từ nước hay chuyện thường ngày ở Đắc-ca

ThienNhien.Net – Nếu văn hào Charles Dickens mà ở đây – thủ đô Đắc-ca của Băng-la-đét, hẳn ông sẽ cảm thấy vô cùng gần gũi như đang sống trên chính quê nhà. Những đứa trẻ khốn khổ đang chờ mẹ và chị của chúng trở về từ xưởng dệt; những ống khói của các lò gạch… chẳng khác nào hình ảnh Ngôi nhà hoang vắng Bleak House xưa kia của ông, ủ ê và ảm đạm trong màu khói và mùi xú uế.

Giống như thành phố London dưới triều đại của nữ hoàng Victoria, những khu phố ổ chuột ở trung tâm Băng-la-đét bẩn thỉu và sặc mùi chất thải bốc ra từ các toa-let tạm bợ của những ngôi nhà sàn tre nứa cao vài ba mét. Băng-la-đét cũng là nơi xảy ra thảm họa lốc xoáy dữ dội vào giữa tháng 11/2007 vừa qua làm hơn 3.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, khi các phương tiện truyền thông kết thúc những tin tức về Băng-la-đét để chuyển sang những quốc gia khác nơi đang xảy ra lụt lội, nạn đói hay động đất thì có một thực tế vẫn tồn tại, đó là sự ô nhiễm nguồn nước. Đây là nguyên nhân lớn thứ hai gây tử vong ở trẻ em, chỉ sau các căn bệnh về hô hấp: 200 trẻ tử vong mỗi giờ do thiếu các điều kiện về vệ sinh tối thiểu. Thực tế này hẳn đã bị lên án nếu xảy ra ở các nước phương Tây. Mặc dù xét cho cùng nó đáng bị lên án dù xảy ra ở bất cứ đâu, Băng-la-đét hay một quốc gia nào khác.

Với điều kiện vệ sinh và thoát nước tốt của Luân-đôn như hiện nay, người ta khó có thể tưởng tượng rằng Luân Đôn xưa đã từng trải qua giai đoạn Đắc-ca ngày nay. Gờ-rết Oen – khu trung tâm phát triển của Anh Quốc vào giữa thế kỷ 19 đã không thể đối phó với tốc độ đô thị hóa. Nước thải bồn cầu tràn vào những khu phố của người nghèo và sông Thames trở thành nơi tiếp nhận đủ loại nước thải khác nhau.

Năm 1858, Luân-đôn trải qua một mùa hè oi bức. Bộ kế hoạch của Anh đã gặp phải một vấn đề rắc rối khi mùi xú uế đưa qua khu nhà quốc hội. Sau gần 3 tuần, chính phủ Anh đã giao cho ông Joseph Bazalgette nhiệm vụ phải thiết lập hệ thống thoát nước thải mới nhằm ngăn không cho nước thải toa lét đổ ra sông Thames hay tích tụ tập trung gần các hộ gia đình.

Kết quả thấy rõ ngay lập tức. Người dân không còn bị dịch tả và thương hàn. Và sau đó, năm 1890 khi Anh đầu tư một dự án lớn hơn cải thiện các điều kiện vệ sinh, số ca tử vong của Anh đã giảm xuống mức kỷ lục.

Vào trung tuần tháng 11/2007, Liên Hợp Quốc đã phát động năm an toàn vệ sinh để ghi dấu mốc 2,6 tỷ người – gần nửa dân số thế giới vẫn đang sống trong các điều kiện vệ sinh tồi tệ như Luân-đôn dưới thời nữ hoàng Victoria.

Vấn đề vệ sinh đã từng bị phớt lờ tới mức khi Liên hợp quốc đề ra các mục tiêu thiên nhiên kỷ tới năm 2015, người ta đã không hề đề cập đến việc cần đảm bảo cho người dân, như trẻ em sống trong những khu ổ chuột ở Đắc-ca có thể đi toa-let mà không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng.

Dưới những áp lực từ phía các tổ chức từ thiện như WaterAid, sau này Liên Hợp Quốc cũng đã đồng ý bổ sung thêm mục tiêu giảm một nửa số người không được tiếp cận với nước sạch và các điều kiện an toàn vệ sinh.

Tuy nhiên, với xu hướng hiện nay mục tiêu này khó có thể đạt được cho tới tận nửa sau của thế kỷ 21. Những nước giàu đã hứa sẽ tăng gấp đôi viện trợ cho tới năm 2010, tuy nhiên điều này vẫn chưa được xúc tiến, thậm chí các khoản đầu tư cho nước sạch và điều kiện vệ sinh còn giảm rõ rệt trong thời gian qua.

WaterAid nói rằng nhiều tiền đầu tư hơn cho giáo dục sẽ là lãng phí khi mà những đứa trẻ bị ốm, bị tiêu chảy không thể đến trường hoặc những bé gái sẽ mất một tuần trong một tháng để lo lắng cho các vấn đề về kinh nguyệt liên quan đến vệ sinh. Theo tính toán của các chuyên gia, sẽ mất 9 đô la để điều trị bệnh tật thay vì chỉ cần đầu tư một đô la cho việc đảm bảo các điều kiện về vệ sinh.

Gió đổi chiều

Vương quốc Anh là một trong số ít những quốc gia ưu tiên cho vấn đề nước sạch, vệ sinh và hỗ trợ cho Băng-la-đét với mục tiêu cung cấp 100% điều kiện vệ sinh đảm bảo tới năm 2010, không chờ đến tận năm 2015 như trong mục tiêu thiên nhiên kỷ. Đây thực sự là một thử thách không phải ở vùng nông thôn mà ngay ở thành phố Đắc-ca, nơi những áp lực nặng nề của một trong những thành phố tăng trưởng nhanh nhất thế giới đang đẩy các khu nhà ổ chuột rơi vào tình trạng ngày càng tồi tệ hơn.

Abul Barkat, một giáo sư kinh tế của trường đại học Đắc-ca nhận xét rằng điều đang xảy ra ở thành phố của ông không phải là đô thị hóa mà là tồi tàn hóa. Ông nghi ngờ số liệu thống kê về tỷ lệ đảm bảo điều kiện vệ sinh cho thành phố tăng từ 33% năm 2003 lên 84% hiện nay.

Paul Edwards, một chuyên gia của UNICEF tại Băng-la-đét cũng chia sẻ suy nghĩ này. Ông lưu ý thêm rằng không phải mọi nhà vệ sinh đều đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, với cái nhìn lạc quan, Paul tin rằng đã có sự thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề này do mọi người đều mong muốn có nhà vệ sinh cho gia đình mình.

Nỗ lực đầu tiên của chính phủ Băng-la-đét trong việc cải thiện các điều kiện vệ sinh đã thất bại. Mặc dù dù chính phủ đã đầu tư ngân sách mua thiết bị vệ sinh và phân phối trên toàn quốc song hầu như không có gì biến chuyển.

Mọi thứ chỉ bắt đầu thay đổi khi chính phủ Băng-la-đét thực hiện phân quyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích vệ sinh và bắt buộc các gia đình phải tham gia, tùy theo hoàn cảnh mà đóng góp xây dựng nhà vệ sinh cho chính họ. Những gia đình giàu trợ cấp cho người nghèo.

Ở một ngôi làng gần Jamalpur, cách Đắc-ca 5 giờ lái xe, các điều kiện vệ sinh đã được đảm bảo hoàn toàn. Những người phụ nữ ở đây nói rằng nhà vệ sinh của họ đã được xây riêng biệt và có đủ tiêu chuẩn an toàn sức khỏe cho những đứa trẻ. Laily Begum, một phụ nữ có ba con phát biểu: “Nói rằng lũ trẻ đã từng phải khổ sở với bệnh tiêu chảy, giờ đây không còn tiêu chảy và bệnh tật nữa”.

Ở các thành phố, kết quả không được như vậy, Đắc-ca chỉ có một nhà máy xử lý nước thải cho một phần tư dân số thành phố, ước tính khoảng 12 triệu người, còn Chittagong, một thành phố với dân số tương đương với bang Chicago (Mỹ), không có nhà máy xử lý nước thải nào cả.

Chuyên gia nói gì?

Mối nguy hiểm hiện hữu chính là việc để nhiễm bẩn nguồn nước do chất thải của con người, đặt biệt kể từ khi Băng-la-đét phải đối mặt với những thay đổi về khi hậu do biến đổi khí hậu.

Jan Moller Hansen, chuyên viên đại sứ quán Đan Mạch nói rằng Đắc-ca đang phát triển nhanh hơn khả năng kiểm soát của chính nó. Tuy nhiên nguyên nhân không phải do thiếu các yếu tố về kỹ thuật mà do thiếu các chính sách thể chế phù hợp cũng như nguồn lực về tài chính.

Ở Vương quốc Anh, đi đầu trong lĩnh vực này là thành phần kinh tế tư nhân, nhưng Mohammed Sabur, giám đốc của WaterAid tại Băng-la-đét nhận xét: “Ở Anh, những người chủ nhà máy mong muốn công nhân của họ khỏe mạnh, còn ở đây nếu chẳng may 100 công nhân bị ốm, người ta sẵn sàng có 200 người khác để thay thế. Công ty duy nhất có điều kiện vệ sinh đảm bảo là Unilever, bởi họ phải chịu những áp lực để có thể bán được nhiều xà phòng hơn”

“Khoảng trống” về vệ sinh cần được lấp đầy bởi chính phủ và các tổ chức hỗ trợ phương Tây, không chỉ cho Băng-la-đét mà thậm chí là cho tất cả những quốc gia nghèo nhất ở vùng cận Sahara của châu Phi, những nơi mà điều kiện vệ sinh không được chính phủ của họ ưu tiên.