Thung lũng ô nhiễm và cuộc chiến với bệnh tật

Xã Trường Lâm (Tĩnh Gia – Thanh Hoá) nằm lọt thỏm giữa thung lũng núi non trùng điệp. Nhiều năm qua, nơi đây trở thành "túi chứa chất thải" của 2 nhà máy xi măng, hơn 10 lò gạch và gần 20 cơ sở khai thác đá. Người dân trong xã đang phải từng ngày chống chọi với sự ô nhiễm nặng nề của môi trường và nguy cơ bệnh tật.

Thung lũng ô nhiễm

Những chiếc xe ben chở đá ùn ùn chạy qua trung tâm xã Trường Lâm để lại “màn sương” bụi phủ trắng con đường. Nhà nào cũng căng bạt che kít, cửa để “né” bụi. Gặp chị Dần vừa đi bốc đá thuê về, bắt chuyện và được biết, công việc chính của chị là làm ruộng, nhưng vào những ngày nông nhàn chị lại “xin” bốc đá cho các cơ sở khai thác. Mỗi ngày làm cật lực, chị Dần có được 20 – 30.000 đồng, nhưng lại không được đóng bảo hiểm hay trang bị bất cứ vật dụng bảo hộ lao động nào. Cùng chung hoàn cảnh với hàng trăm công nhân khác, hằng ngày chị phải chịu sự ô nhiễm ở nơi khai thác đá; thậm chí, về nhà khói bụi vẫn không buông tha.

Toàn khu vườn nhà chị phủ trắng một lớp bụi, cây cối trở nên xơ xác, tiêu điều. Chị Dần lật chiếc nia ra khỏi giếng và nói: “ở đây, nhà nào còn giếng khơi thì phải che đậy lại không thì chỉ có… uống bụi”. Không những hứng chịu bụi đá, người dân nơi đây thường xuyên phải hít thở bầu không khí ngột ngạt từ các lò gạch. Hàng chục lò gạch xả khói suốt ngày đêm, khiến cho thung lũng luôn trong tình trạng “mù sương”.

Ông Trần Văn Nông, Phó chủ tịch UBND xã Trường Lâm cho biết: “Xã hiện có gần 20 cơ sở khai thác đá. Trong đó có một số cơ sở khai thác không xin phép, hoặc khai thác tự phát theo kiểu gia đình nên nguy cơ tai nạn lao động và ô nhiễm môi trường rất cao. Cạnh đó, hơn 10 lò gạch hàng ngày thải ra vô số chất gây ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân. Đặc biệt, bà con xã Trường Lâm còn “hứng” toàn bộ chất thải của 2 nhà máy xi măng lớn nhất nhì cả nước, Nhà máy Xi măng Hoàng Mai (Nghệ An) và Nhà máy Xi măng Nghi Sơn.

Ông Nông ngao ngán nói: “Ban ngày thì Nhà máy Xi măng Hoàng Mai thải khói bụi, còn ban đêm lại mở bể xả nước đỏ ngầu. Do dùng nước này để tưới tiêu, năng suất cây trồng trong mấy năm gần đây liên tục giảm. Chắc trong nay mai người dân cũng phải bỏ ruộng, bỏ làng mà đi làm ăn xa xứ mất”.

2 năm gần 30 người chết do ung thư!

Mặc dù tình trạng ô nhiễm đã diễn ra nhiều năm qua, nhưng điều chúng tôi ngạc nhiên là chính quyền xã cũng như người dân hoàn toàn không có một chút thông tin gì về mức độ ô nhiễm. Ông Nông cho biết thêm: “Hàng năm cũng có nhiều đoàn về đo đạc, khảo sát mức độ ô nhiễm, nhưng câu trả lời vẫn là con số không. Trong các buổi họp của xã, chúng tôi chỉ biết khuyến cáo bà con nên tránh các nguồn nước ô nhiễm, và tự trang bị khẩu trang tránh hít phải bụi và khói độc. Chứ con số chính thức về nguyên nhân ô nhiễm chúng tôi hoàn toàn không nắm được”.

Đến Trạm xá xã Trường Lâm, Trạm trưởng Phạm Xuân Hằng cho biết: “Đợt lạnh vừa rồi, có ngày chúng tôi phải tiếp hàng chục ca viêm phổi nặng. Họ bị các chứng bệnh khó thở, ho, viêm phổi, viêm phế quản, trong đó nhiều nhất là trẻ em và người già”. Em Lan (7 tuổi) không biết bao nhiêu lần phải vào trạm xá do bị viêm phế quản. Mẹ em than thở: “Tôi đi lên núi bốc đá cả ngày, cháu ở nhà không có ai chăm, bụi bặm phủ khắp nơi làm gì mà không bị bệnh”. Nhìn sang giường bên cạnh, bà Hằng lần lượt chỉ: “Cháu Hoàng 4 tuổi vào trạm tuần trước, cháu Nam 8 tuổi mới vào hôm qua, các cháu đều bị ho nặng cả”.

Không chỉ dừng lại ở những căn bệnh trên, trong thời gian hai năm trở lại đây, rất nhiều người đã mắc phải căn bệnh ung thư quái ác. Bà Hằng lục trong tủ tài liệu cuốn sổ báo tử của xã trong 2 năm qua (2006 – 2007), rồi lần lượt đọc lên danh sách các nạn nhân. Độ tuổi của những người chết do ung thư trung bình 35 – 45.

Trong danh sách có rất nhiều người còn trẻ như anh Cao Văn Nhân (32 tuổi), chị Phạm Thị Lan (30 tuổi), anh Mai Văn Nam (33 tuổi)… Đặc biệt, có gia đình có tới 2 người chết do ung thư, đó là gia đình anh Nguyễn Văn Sách và Nguyễn Văn Trình, chỉ mới ở độ tuổi 40 và 45. Trong đó, riêng thôn Trường Sơn có số người tử vong cao nhất xã với hơn 10 người chết do ung thư trong vòng 2 năm trở lại đây.

Chốt lại danh sách, bà Hằng đọc lên con số 29 và còn giải thích thêm: “Đây là danh sách mà những người đã bị Bệnh viện K (Hà Nội) trả về thôi, chứ nhiều người mắc ung thư nhưng không có điều kiện đi viện hoặc phát hiện muộn thì chưa thể thống kê hết được. Còn hàng chục ca nữa cũng đang trong trong giai đoạn cuối và rồi họ cũng sẽ lần lượt góp tên vào cuốn sổ “tử thần của trạm xá”.