Để Tam Đảo xanh và bền vững

Vườn Quốc gia Tam Đảo nằm trọn trong dãy núi Tam Đảo. Đây là một dãy núi lớn dài trên 80 km, rộng từ 10 – 15 km chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, thuộc địa phận của 3 tỉnh; Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Dãy núi Tam Đảo có trên 20 đỉnh cao từ 1000 m trở lên so với mặt nước biển, cao nhất là đỉnh Tam Đảo Bắc 1592 m. Núi Tam Đảo từ xưa đã được che phủ bởi một lớp thảm thực vật dày đặc, nhiều tầng và đa dạng về loài, đa dạng về quần xã sinh học và hệ sinh thái. Các yếu tố chính đã góp phần tạo nên sự đa dạng này là đất đai, khí hậu… Chính vì thế hệ động thực vật rừng ở đây rất phong phú (khoảng 2000 loài thực vật, 840 loài động vật), nhiều loài đặc hữu và quí hiếm.

Để Vườn Quốc gia Tam Đảo phát huy hết tiềm năng giá trị, cùng với sự tăng cường đầu tư của Nhà nước, các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư trong vùng cần thấy được lợi ích và trách nhiệm cùng gìn giữ tài sản quí giá này. Song trong cái khó của người coi Vườn Quốc gia Tam Đảo, khó nhất lại là nhận thức của cư dân.

Đất Tam Đảo thuộc nhóm đá clarit, nền đất xám tro rất nghèo dinh dưỡng, cộng với địa hình dốc, rất khó cho quy hoạch thủy lợi, đời sống kinh tế hết sức khó khăn, đến bây giờ vẫn còn xã có tới 72% cư dân thuộc diện đói nghèo, sống dựa hẳn vào rừng. Tam Đảo trải rộng trên địa bàn 27 xã, với gần 200.000 nhân khẩu sống dựa vào 36.000 ha rừng và do 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang quản lý về con người. Quanh Tam Đảo có 60 con suối lớn nhỏ, mỗi con suối là hai lối vào rừng nên việc quản lý những lối mòn vào rừng rất khó khăn.

60 cán bộ của Vườn Quốc gia Tam Đảo trông coi gần 36.000 ha với 120 lối vào rừng khác nhau quả là một nghịch lý. Theo Giám đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo Đỗ Đình Tiến, giải quyết nghịch lý này chỉ có cách lấy tuyên truyền làm chính và phối hợp với chính quyền sở tại. Cần ghi nhận là từ khi rừng cấm Tam Đảo được chuyển thành Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tam Đảo (1996) đến nay, chính quyền các cấp, các địa phương đã không ngừng đầu tư cho các xã vùng đệm cải thiện cuộc sống, đó là các Chương trình 661, dâu tằm, phân bón, 135.

Đói đứt bữa không còn, nên có thể thuyết phục dân đừng kiếm cái ăn ngay để phá cái lâu dài. Bước đầu là các Nghị quyết, tài liệu tuyên truyền. Đi liền là gạo tiền để dân trồng rừng. Trồng toàn cây bản địa nên tỷ lệ sống cao, người được giao trồng từ biết quý cây rừng, tự biến thành người bảo vệ.

Mỗi năm Vườn Quốc gia Tam Đảo trồng 300-400ha, có năm như 2006 trồng 900 ha, sau 10 năm đã có 5.000ha rừng trồng. Cộng với hơn 20.000 ha rừng khoanh nuôi bảo vệ, đưa độ che phủ của rừng từ 60-61% lên 83-85% sau 10 năm. Hiệu quả là thủy lợi cho hơn 20.000 ha lúa của cư dân đủ nước quanh năm.

Về điều này xin ghi nhận nhận thức của lãnh đạo và người dân Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc cho rằng, nếu mất rừng Tam Đảo thì Vĩnh Phúc không còn gì. Trước đây từng có một tờ báo đăng bài nói rừng Tam Đảo bị xẻ thịt, cả tỉnh xôn xao bàn luận thực hư. Đó là một phép thử của nhận thức. Cho nên, một mặt Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tam Đảo tăng cường giáo dục nâng cao phẩm chất cho cán bộ, một mặt nâng mức độ quan hệ với địa phương lên thành mật thiết. Đến nay, dân đã biết nhắc nhở nhau, nhắc không sửa thì họ báo kiểm lâm bắt và phạt. “Đó là hệ thống bí quyết của chúng tôi”, ông Tiến nói.

Với 29.000ha rừng do Vườn Quốc gia trồng mới, khoanh nuôi bảo vệ, cứ cho nó phát triển bằng nửa rừng kinh tế, 3-4m3/năm thôi thì mỗi năm Vườn đã tăng thêm 80-90.000m3 gỗ. Chỉ bán bằng giá nguyên liệu 500.000 đồng/m3, đã cho 40-50 tỷ đồng. “Ném” hết số tiền ấy cho các dự án, ngân sách vẫn không mất gì mà lãi ròng là Tam Đảo xanh bền vững.