Nạn săn bắt cá mập lấy vây gia tăng

ThienNhien.Net – Theo một chuyên gia của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), các quần thể động vật thuộc họ cá mập như cá mập vằn, cá voi, cá mập xám và các loài cá mập biển khác đã giảm khoảng hơn 95 % từ thập niên 70 đến nay. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do nạn săn bắt cá mập để lấy vây, hoặc do chúng bị mắc phải lưới của ngư dân khi họ đánh bắt các loài cá khác ngoài đại dương.

Cá mập đầu búa là loài bị đe doạ nặng nề nhất, ngay cả những con cá con cũng nằm trong tình trạng nguy hiểm khi mà chúng hầu như chỉ bơi ở các vùng nước nông trên khắp các bờ biển thế giới để tránh các loài động vật ăn thịt khác.

Ông Julia Baum – một chuyên gia nghiên cứu về cá mập của IUCN – cho biết, loài cá mập đầu búa sẽ được ghi vào Sách Đỏ IUCN 2008 ở cấp độ nguy cấp (EN) có nguy cơ tuyệt chủng cao do nạn đánh bắt quá mức bởi giá trị và nhu cầu sử dụng vây của chúng. Không riêng gì cá mập đầu búa, rất nhiều loài cá mập khác đang bị đe doạ và có nguy cơ tuyệt chủng trong nay mai.

Hiện nay, do nhu cầu về vây và thịt cá mập cũng như các mục đích phục vụ cho ngành giải trí ngày càng gia tắng khiến số lượng loài này giảm mạnh. Thêm vào đó, việc chúng mắc phải lưới đánh cá của các ngư dân ngoài khơi cũng làm giảm số lượng đáng kể.

Năm ngoái, IUCN cũng đã đưa loài cá mập đầu búa lớn nhất trong 9 loài cá mập đầu búa búa vào Sách Đỏ ở cấp độ nguy cấp (EN). Đồng thời IUNC cũng cho biết, số lượng cá mập ở phía đông biển Atlantic đã giảm khoảng 80% trong vòng 25 năm qua . Thịt cá mập đầu búa có giá trị rất thấp nhưng vây chúng lại có giá trị rất cao, vây cá được chế biến thành các món súp nổi tiếng tại Châu Á, được nhiều người ưa chuộng dù giá đắt “cắt cổ”. Nghich lý là, sau khi săn bắt cá mập, người ta chỉ cắt lấy phần vây còn lại ném chúng “trả về” cho biển cả.

Mới đây, một nghị quyết mới của Liên Hợp Quốc vừa được thông qua đang kêu gọi hạn chế săn bắt cá mập cũng như ban hành một lệnh cấm lấy vây cá mập. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này sẽ còn gặp phải rất nhiều khó khăn do việc đánh bắt cá mập tại các vùng biển quốc tế hoàn toàn không bị hạn chế.