Phát hiện những sinh vật biển khổng lồ ở Nam Cực

Các nhà khoa học Nhật Bản, Australia và Pháp vừa ghi hình và bắt giữ được những sinh vật biển khổng lồ ở Nam Cực, có loài giống như nhện biển, to bằng chiếc đĩa, có loài sứa có xúc tu dài đến sáu mét.

Một đội tàu ba chiếc nghiên cứu Nam Cực vừa trở lại Australia tuần này, kết thúc chuyến thám hiểm mùa hè xuống đại dương phương nam, nơi họ thực hiện một cuộc khảo sát về sự sống trong và dưới đáy biển băng, ở độ sâu hơn 1000m so với mặt biển.

Ông Martin Riddle, một nhà khoa học người Australia, người chỉ huy tàu nghiên cứu Aurora Australis nói: Những sinh vật khổng lồ rất thường gặp ở vùng biển Nam Cực. Chúng tôi đã sưu tập được những loại giun khổng lồ, những loài giáp xác lớn và những con nhện biển to như chiếc đĩa. Nhiều sinh vật sống trong bóng tối và có những cặp mắt khá lớn. Chúng là những loài cá trông rất lạ.

 
Loài bọt biển, san hô sừng và san hô dạng đăng ten sống dưới đáy biển ở độ sâu khoảng 400m tại thềm lục địa Nam Cực, được các nhà khoa học công bố ngày 19/02. (Ảnh: Reuter).

Một số cảnh phim ghi được thật tuyệt – thật ngạc nhiên vì chúng ta có thể đi qua các đỉnh núi, các thung lũng dưới đáy biển và tận mắt chứng kiến các động vật sống như thế nào trong môi trường hoàn toàn yên tĩnh. Bộ phận thám hiểm Nam Cực của Australia sẽ giúp các nhà khoa học kiểm soát những tác động của sự thay đổi môi trường ở vùng biển Nam Cực, chẳng hạn như hiện tượng a-xít hóa đại dương do tăng lượng carbon dioxide trong khí quyển, khiến các nhà hàng hải gặp khó khăn hơn trong việc phát triển và duy trì các khung tàu thuyền có chứa carbonate can-xi.

Ông Riddle nói: Đây được coi là những tác động đầu tiên có thể thấy được tại vùng nước lạnh, sâu ở Nam Cực. Tiếp đến sẽ là những khu vườn rộng lớn với các tổ chức đá vôi, chúng sẽ bị biến mất vì nước biển ngày càng tăng tính a-xit.

Ba con tàu nghiên cứu đại dương gồm: tàu Aurora của Australia, tàu L’Astrolabe của Pháp và tàu Umitaka Maru của Nhật Bản. Hiện nay chúng được neo đậu tại Hoabrt ở hòn đảo phía nam Australia, thuộc bang Tasmania. Các nhà nghiên cứu đã chụp được rất nhiều hình ảnh về sự sống dưới biển, trong đó có nhiều loài sinh vật chưa từng biết đến ở gần phía đông Nam Cực.

 
Loại san hô màu rực rỡ, san hô hình quạt và bọt biển sống dưới đáy biển ở độ sâu khoảng 600m. (Ảnh: Reuter).

Một vài loài được tìm thấy ở độ sâu khoảng từ 200 đến 1.400m so với mặt biển, nặng đến 30kg. Khoảng 25% sinh vật biển ghi chép được chưa từng được biết đến. Ông Graham Hosie, người chỉ huy dự án khảo sát của tàu Umitaka Maru nói: Nghiên cứu này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu các cộng đồng cần phải làm gì để thích ứng với môi trường kỳ lạ ở Nam Cực. Các mẫu vật sưu tập được trong cuộc thám hiểm này sẽ được gửi đến các trường đại học và viện bảo tàng trên toàn thế giới để nhận diện, làm mẫu và đánh dấu DNA. Không phải tất cả các mẫu sinh vật chúng tôi tìm được đều có thể nhận diện và có vẻ như một số loài sinh vật mới sẽ được ghi nhận là thành công lớn nhất của chuyến đi.

 
Các động vật có vỏ trông giống như những cây hoa tuy-líp cao hàng mét sống dưới đáy biển ở độ sâu khoảng 220m. (Ảnh: Reuter).

Công tác khảo sát sự sống ở các đại dương Nam Cực nằm trong dự án Cộng tác khảo sát biển phía đông Nam Cực (CEAMARC) giữa ba nước Pháp, Nhật Bản và Australia. Những con tàu của Pháp và Nhật Bản khảo sát tầng nước giữa và mặt biển trong khi tàu của Australia nghiên cứu đáy biển với tổng cộng khoảng 16 chuyến đi đến Nam Cực (từ 2007 đến 2009).

Cuộc khảo sát sẽ tiến hành nghiên cứu hệ sinh thái ở các vùng đáy biển nhô cao, các vùng đáy bằng phẳng và vùng nước không đóng băng cũng như những vùng nước nằm dưới phần băng đang tan chảy ở Nam Cực. Mục đích của cuộc khảo sát là xác định hệ sinh vật, trữ lượng và sự phân bố của chúng cũng như thiết lập một cơ sở dữ liệu làm căn cứ dự đoán những thay đổi trong tương lai.