Indonesia không thực sự từ bỏ nhiệt điện than

Theo báo cáo của Viện kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA), kế hoạch loại bỏ than của Indonesia không tiến triển như chính phủ đưa ra.

Công ty điện lực nhà nước PLN từ tháng 5 đã thông báo bắt đầu đóng cửa các nhà máy điện than có tổng công suất 50 gigawatt và loại bỏ dần các nhà máy này vào năm 2055 nhằm giảm phát thải carbon ròng vào năm 2060. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ dữ liệu hiện có và tài liệu quy hoạch, IEEFA nhận thấy kế hoạch ngừng hoạt động nhà máy và không phát thải ròng “chỉ đơn giản là làm mới diện mạo các kế hoạch cũ”. Sẽ không có sự dừng hoạt động của nhà máy than nào, thậm chí hơn 40 nhà máy mới dự kiến ​​được xây dựng. Các chuyên gia cảnh báo điều này có thể cản trở thu hút đầu tư vào năng lượng sạch – thứ mà đất nước đang rất cần để chuyển đổi từ than sang năng lượng tái tạo.

Công nhân cầm một cục than trước nhà máy nhiệt điện đốt than ở Hà Lan (Ảnh: Adrem68/Wikimedia Commons)

Dừng hoạt động chỉ vì hết hạn

Thông báo của PLN khiến nhiều người lầm tưởng rằng một số nhà máy nhiệt điện than sẽ ngừng hoạt động sớm hơn thời gian dự kiến ​​kết thúc vòng đời của chúng, tuy nhiên, kế hoạch “nghỉ hưu” chỉ đơn giản là làm nổi bật các kế hoạch hiện có về việc ngừng hoạt động có trật tự các cơ sở than quy mô nhỏ và cũ, cùng với lợi nhuận thu được từ các nhà máy này giảm dần. Nói cách khác, các nhà máy than được cho “nghỉ hưu” là những nhà máy đang trên đà ngừng hoạt động do hết thời hạn.

Nhà phân tích tài chính năng lượng của IEEFA Elrika Hamdi cho biết “tất cả các nhà máy điện than sẽ ngừng hoạt động theo độ tuổi tương ứng và hợp đồng của chúng, vì thế, đây không phải là điều gì mới mẻ”.

Hầu hết các nhà máy điện than của Indonesia vẫn tương đối mới nên lưới điện của Indonesia sẽ chủ yếu do than chi phối trong tương lai gần, với thời gian hoạt động của các nhà máy thường từ 25 đến 30 năm.

IEEFA quan ngại điều gì sẽ xảy ra với các nhà máy sau khi chúng ngừng hoạt động và liệu việc ngừng hoạt động có bao gồm việc khắc phục các tác động môi trường mà các nhà máy đã gây ra trong quá trình hoạt động hay không? Liệu PLN có đủ nguồn lực kỹ thuật hoặc tài chính để ngừng hoạt động các nhà máy theo tiêu chuẩn quốc tế hay không?

Thông tin từ Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát năng lượng Quốc hội Eddy Soeparno cho biết hiện PLN đang thực hiện nghiên cứu về cách kiếm tiền từ các nhà máy than đã hết hạn, trong đó một phương án được tính đến là có thể di dời các nhà máy này từ đảo Java và Sumatra đến các vùng khác. Hai hòn đảo này có nguồn cung điện quá lớn do việc xây dựng các nhà máy than mới được thúc đẩy trong những năm gần đây.

Hủy bỏ vì nhỏ và kém hiệu quả

Chính phủ Indonesia gần đây cũng thông báo hủy bỏ 12 nhà máy than hoạt động kém hiệu quả, tuy nhiên, IEEFA chỉ ra rằng 10 trong số 12 nhà máy đã thực sự bị hủy bỏ cách đây 2 năm trong kế hoạch mua sắm điện của PLN và lý do chính khiến các nhà máy bị hủy bỏ là do quy mô nhỏ cùng hiệu suất hoạt động kém và lượng phát thải cao.

“Nếu PLN thực sự hướng tới vấn đề giảm phát thải các-bon thì hãy cung cấp danh sách các nhà máy than lớn sẽ bị hủy bỏ”, Andri nói.

Vẫn không ngừng xây mới

Song song với việc tận dụng tối đa các nhà máy điện than cũ, PLN tiếp tục có kế hoạch xây các nhà máy than mới.

Mặc dù chính phủ công bố kế hoạch ngừng xây các nhà máy than mới trong tháng 5 và nêu rõ chỉ các nhà máy than đang được xây dựng hoặc đã được bảo đảm nguồn tài chính mới được xây dựng tiếp, tuy nhiên, Phó Giám đốc điều hành PLN Darmawan Prasodjo cho biết công suất than 21 GW vẫn sẽ được đưa vào hoạt động, bao gồm cả các nhà máy đã được lên kế hoạch về tài chính.

Phân tích của IEEFA cho thấy có ít nhất 44 nhà máy than với tổng công suất gần 16 GW được vận hành từ năm 2021 đến năm 2030, trong đó các nhà máy lớn nhất được lên kế hoạch tại đảo Java và Sumatra. “Đây là một lời cảnh báo vì tình trạng dư thừa điện trong lưới điện Java-Bali và Sumatra từ vài năm qua”, Elrika nói.

Đáng chú ý là với 44 nhà máy than đi vào hoạt động, có khoảng 4,1 GW công suất vẫn đang trong giai đoạn cấp vốn vào cuối năm 2020. Điều này có nghĩa là trừ khi có tiến triển trong sáu tháng đầu năm 2021, các nhà máy này chưa đạt được kết quả đóng cửa tài chính và có thể bị hủy bỏ.

Elrika nhấn mạnh thêm rằng các nhà sản xuất điện độc lập (đơn vị xây dựng nhà máy và bán điện cho PLN) cần nhận ra rằng ngày càng khó đảm bảo nguồn tài chính cho các nhà máy than. Hơn 160 tổ chức tài chính trên khắp thế giới đã áp dụng các chính sách đầu tư chặt chẽ hơn để tránh sử dụng than dù là khai thác hay sản xuất điện.

Dân làng Suralaya chơi bóng chuyền sát cạnh nhà máy điện than Suralaya ở thành phố Cilegon, tỉnh Banten, Indonesia (Ảnh: Ulet Ifansasti / Greenpeace)

Mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng

Tác động từ nhà máy than tới sức khỏe cộng đồng được Isabella Suarez, nhà phân tích Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí Sạch (CREA) minh chứng bằng dự án nhà máy than Java 9 và 10. Dự án có tổng trị giá 3,5 tỷ USD, được tài trợ chủ yếu bởi các cơ quan tài chính công của Hàn Quốc, là sự mở rộng của tổ hợp nhà máy nhiệt điện than Suralaya, nằm ở tỉnh Banten, Java.

Với tám tổ máy đã đi vào hoạt động, khu liên hợp công nghiệp này là khu liên hợp lớn nhất và gây ô nhiễm nhất ở Đông Nam Á. Hai nhà máy mới cung cấp thêm 2 GW công suất điện lắp đặt ở Indonesia nhưng vấp phải sự tranh cãi và phản đối của cộng đồng địa phương cùng các nhà bảo vệ môi trường ngay từ khi bắt đầu. Mọi người đặt câu hỏi về sự cần thiết phải xây dựng nhiều nhà máy gây ô nhiễm hơn trong một khu vực vốn đã dư thừa điện năng. Hai nhà máy nằm cách thủ đô Jakarta khoảng 120 km về phía tây bắc, trong một khu vực đã có 22 nhà máy nhiệt điện than, thậm chí toàn tỉnh Banten có tới 52 dự án điện than.

Trong khi các nhà phê bình lo ngại về tác động môi trường và sức khỏe đối với người dân từ các nhà máy thì người dân cũng phàn nàn rằng các đơn vị hiện tại đã gây ra các vấn đề đối với sức khỏe cộng đồng, nông nghiệp và nước.

Những người ủng hộ dự án cho biết hai nhà máy được xây dựng bằng công nghệ hiện đại, sử dụng ít than hơn để tạo ra một đơn vị điện, do đó thải ra ít carbon và các chất ô nhiễm so với các nhà máy cũ. Và rằng một khi đi vào hoạt động, hai nhà máy sẽ thải ra mức ôxít nitơ, ôxít lưu huỳnh và bụi thấp hơn tiêu chuẩn của Indonesia. Tuy nhiên, trên thực tế, mức phát thải này vẫn cao gấp gần 10 lần so với nhà máy nhiệt điện than Gangneung Eco tương tự đang được xây dựng ở Hàn Quốc, quốc gia bảo lãnh và xây dựng nhà máy Java 9 và 10.

Mô hình do Greenpeace thực hiện vào năm 2019 về tác động sức khỏe của dự án cho thấy hai nhà máy sẽ gây ra 4.700 ca tử vong sớm trong suốt vòng đời hoạt động nếu chúng nằm trong giới hạn phát thải của Indonesia. Và ngay cả khi được xây dựng theo các tiêu chuẩn của Hàn Quốc thì chúng sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm cho 500 đến 1.500 ca tử vong trong vòng đời 30 năm hoạt động của mình.

Isabella Suarez cho rằng Indonesia nên đẩy mạnh chính sách loại bỏ than đầy tham vọng và cải cách chính sách quyết liệt để gửi tín hiệu rõ ràng cho các nhà đầu tư rằng nước này đã sẵn sàng cai nghiện than và tập trung phát triển năng lượng tái tạo sạch.

Thảo Vy (Theo Mongabay)

Nguồn: